Blog

10 tinh dầu dưỡng tóc được tin dùng nhất hiện nay

Sử dụng các loại dầu và tinh dầu trong việc chăm sóc tóc đang là một xu hướng hot hiện nay. Trong nhiều thế kỷ, con người đã sử dụng tinh dầu trong y học, hóa mỹ phẩm, … Giờ đây, bạn có thể tìm thấy chúng trong nhiều loại dầu gội, serum và các sản phẩm chăm sóc tóc khác. Cùng Kobi tìm hiểu về tinh dầu dưỡng tóc trong bài viết dưới đây.

1. Cấu tạo tóc như thế nào?

Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu về cấu tạo và chu kì sinh trưởng của tóc.

1.1. Cấu tạo của tóc

Hiểu đơn giản, tóc là một cấu trúc dạng sợi. Tóc được cấu tạo bởi 70% chất sừng (keratin) và 30% thành phần khác như nước, chất béo, carbon hydrate, vitamin và khoáng chất.

Tóc có hai cấu trúc riêng biệt:

  • Một là nang tóc nằm trong da đầu. Nang tóc giống như phần gốc cây, chịu trách nhiệm hấp thu các chất dinh dưỡng từ da đầu để nuôi dưỡng tóc.
  • Hai là phần thân tóc phát triển lên phía trên da đầu mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Phần này giống như thân và ngọn cây.

Vì vậy, có thể thấy phần gốc rễ – tức là nang tóc cần được chăm sóc thì phần thân tóc mới khỏe mạnh được.

1.2. Chu kỳ tóc

Tóc con người phát triển theo chu kỳ gồm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn tăng trưởng, phát triển dài sợi tóc được gọi là kì anagen,
  • Giai đoạn nghỉ ngơi, hay tạm thời chuyển tiếp theo chu trình được gọi là kì catagen
  • Giai đoạn rụng tóc là kì telogen.

Khi đến cuối giai đoạn nghỉ ngơi, tóc sẽ rụng và một sợi tóc mới bắt đầu phát triển trong nang tóc, lặp lại chu kỳ một lần nữa.

Khoảng 90% tóc ở giai đoạn tăng trưởng (anagen) và 10% ở hai giai đoạn còn lại.

Mỗi người từ khi sinh ra đã có hàng trăm nghìn sợi tóc trên đầu. Mỗi ngày, trung bình có khoảng từ 50 – 100 sợi tóc hết vòng đời và rụng đi.

2. Những vấn đề về tóc phổ biến

2.1. Rụng tóc

Rụng tóc là tình trạng phổ biến nhất, tuy không nguy hại đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ, tâm lý của người bệnh. Đa số, ở nam giới bắt đầu rụng tóc ở độ tuổi 20. Còn phụ nữ thời gian muộn hơn, bắt đầu ở độ tuổi 40 hoặc 50.

Rụng tóc có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Mỗi nguyên nhân có cách điều trị khác nhau.

Rụng tóc chia làm hai loại là rụng tóc không sẹo và rụng tóc sẹo.

2.1.1. Rụng tóc không sẹo

Được chia thành 6 loại chính

  • Rụng tóc androgenetic: là một dạng rụng tóc bị ảnh hưởng bởi gen và nội tiết tố. Đây là một rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến 50% nam giới và 15% phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh.
  • Rụng tóc mảng: Đây là chứng rụng tóc có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm da đầu, mặt, thân và tứ chi. Nguyên nhân chưa được biết, nhưng có thể liên quan đến bệnh tự miễn.
  • Telogen effluvium: tăng số lượng tóc bước vào giai đoạn rụng. Nguyên nhân do nội tiết tuyến giáp; căng thẳng sinh lý hoặc tâm lý; ăn kiêng thiếu dinh dưỡng và một số thuốc.
  • Rụng tóc do chấn thương là lực kéo tóc mạnh, thường thấy ở trẻ em. Ngoài ra, hội chứng nghiện giật nhổ tóc là một loại rụng tóc do chấn thương, vì người bệnh kéo, nhổ tóc liên tục.
  • Bệnh nấm da chấm đen
  • Anagen effluvium: Gặp ở những người mắc ung thư đang điều trị bằng hóa chất.

2.1.2. Rụng tóc sẹo

  • Viêm da đầu: bệnh nấm da đầu.
  • Rụng tóc do viêm nang lông: chất nhờn tích tụ trong các nang lông và tuyến bã nhờn, gây cản trở sự phát triển của tóc.
  • Rụng tóc do ung thư da, điều trị bằng phóng xạ và một số bệnh lý hệ thống như Lupus, xơ cứng bì, v.v…

2.2. Gàu và một số bệnh da đầu

Gàu là một dạng viêm da đầu tiết bã do nấm da đầu gây ra. Gàu gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Ngoài ra, như đã liệt kê ở trên, gàu còn có thể gây ra tình trạng rụng tóc.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, gàu có thể xuất hiện vảy màu vàng đỏ. Phân bổ dọc theo chân tóc, sau tai, trên lông mày, nách, mũi, và xương ức.

3. Tinh dầu là gì?

Tinh dầu là những hợp chất thực vật thu được sau quá trình chưng cất. Thành phần chủ yếu là những hợp chất thơm bay hơi. Tinh dầu có mùi hương đặc trưng của từng loài thực vật. Ví dụ, tinh dầu bưởi, tinh dầu bạc hà, …

Các loại dầu nền như dầu dừa, dầu jojoba, dầu hạnh nhândầu ô liu có nguồn gốc từ thực vật. Nhưng chúng có mùi trung tính hơn. Loại dầu này thông thường được ép lạnh.

4. Những loại tinh dầu dưỡng tóc được tin dùng nhất hiện nay

Hiện nay có rất nhiều loại tinh dầu có khả năng dưỡng mái tóc của bạn. Kobi sẽ điểm qua 10 loại tinh dầu phổ biến và hiệu quả mà bạn có thể dễ dàng tìm mua.

4.1. Tinh dầu bưởi

Từ xa xưa, các bà các mẹ đã biết cách lấy vỏ bưởi nấu nước gội đầu. Nước gội bưởi giúp tóc mượt mà, bóng tóc và giảm rụng tóc, … Những đặc điểm này có được là nhờ vào tinh dầu có trong vỏ bưởi.

Dưới đây là những lý do mà bạn nên sử dụng tinh dầu bưởi cho tóc và da đầu

  • Tinh dầu bưởi giúp mái tóc của bạn trở nên bóng khỏe. Nhờ có các chất chống oxy hóa, vitamin A, vitamin C giúp loại bỏ thô ráp trên tóc tạo nên độ sáng bóng.
  • Những hợp chất kể trên còn giúp cho tóc mọc nhanh, sợi tóc trở nên khỏe hơn. Ngoài ra, trong bưởi chứa nhiều vitamin B1 và ​​flavonoid, giúp cải thiện lưu thông máu. Các nang tóc của chúng ta được nuôi dưỡng đầy đủ, giúp cho tóc dày và bồng bềnh hơn.
  • Khả năng kháng khuẩn, kháng nấm của tinh dầu bưởi sẽ giúp bạn giảm bớt tình trạng gàu ngứa, viêm da đầu tiết bã nhờn, …
  • Nếu bạn sử dụng nhiều sản phẩm như gel vuốt tóc, kem ủ tóc thì bưởi có thể giúp loại bỏ các hóa chất còn tồn đọng ở trong nang tóc. Từ đó, nang tóc của bạn được khỏe mạnh.

4.2. Tinh dầu hoa oải hương

Tinh dầu hoa oải hương có thể tăng tốc độ phát triển, đẩy nhanh chu kỳ sinh trưởng của tóc. Tinh dầu này có thể phát triển của tế bào và giảm căng thẳng. Các nghiên cứu trên chuột đã phát hiện ra rằng oải hương có thể giúp tóc mọc nhanh hơn.

Bên cạnh đó, khả năng kháng khuẩn và kháng nấm của tinh dầu cũng không thể bỏ qua. Nó giúp da đầu khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh.

4.3. Tinh dầu bạc hà

Bạn có thể thấy bạc hà là tinh dầu được xuất hiện nhiều nhất trong các loại dầu gội trên thị trường.

Bởi lẽ, tinh dầu bạc hà có thể đem lại cảm giác mát lạnh. Tính chất này giúp da dầu giảm ngứa ngáy, khó chịu do gàu. Đồng thời, nó làm tăng lưu thông tuần hoàn đến khu vực được thoa lên. Điều này có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của tóc trong giai đoạn tăng trưởng.

Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tinh dầu bạc hà làm tăng số lượng nang, độ sâu của nang và sự phát triển tổng thể của tóc.

4.4. Tinh dầu hương thảo

Nếu bạn muốn cải thiện cả độ dày của tóc và sự phát triển của tóc, tinh dầu hương thảo là sự lựa chọn tuyệt vời nhờ khả năng cải thiện quá trình tạo tế bào.

Theo một nghiên cứu, tinh dầu hương thảo có hiệu quả tốt tương đương với thuốc minoxidil. Thuốc minoxidil là một phương pháp điều trị mọc tóc phổ biến, nhưng thường tác dụng phụ gây ngứa da đầu. Vì vậy, nếu bạn không phù hợp dùng thuốc này, có thể cân nhắc dùng tinh dầu hương thảo.

4.5. Tinh dầu gỗ tuyết tùng

Tinh dầu gỗ tuyết tùng cũng được cho là có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của tóc và giảm rụng tóc. Cách hoạt động của tinh dầu chính là cân bằng các tuyến sản xuất dầu trên da đầu. Như chúng ta đã biết, ở da đầu nhờn có thể gây bít tắc nang lông, gây ra rụng tóc. Nếu bạn có da dầu nhờn, tóc dễ bết dính thì có thể cân nhắc sử dụng tinh dầu gỗ tuyết tùng.

Như nhiều tinh dầu khác, tinh dầu gỗ tuyết tùng cũng có đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn. Nên tinh dầu có thể điều trị các tình trạng viêm da gây ra gàu, rụng tóc.

4.6. Tinh dầu sả chanh

Tinh dầu sả chanh rất phổ biến trong công nghiệp nước hoa, xà phòng, hóa chất gia dụng. Tinh dầu sả chanh là một phương pháp giảm gàu ngứa hiệu quả. Bởi tinh dầu sả chanh có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm và thậm chí có thể chống lão hóa da.

Nghiên cứu năm 2015 chỉ ra rằng tinh dầu làm giảm đáng kể gàu sau một tuần. Bạn có thể sử dụng tinh dầu sả trị gàu mỗi ngày để có hiệu quả cao nhất.

4.7. Tinh dầu cỏ xạ hương

Tinh dầu cỏ xạ hương có thể giúp thúc đẩy phát triển của tóc bằng cách kích thích da đầu và ngăn ngừa rụng tóc hiệu quả. Giống như tinh dầu tuyết tùng, tinh dầu cỏ xạ hương cũng giúp cân bằng các tuyến sản xuất dầu trên da đầu. Tinh dầu rất hữu ích trong việc điều trị chứng rụng tóc. Tuy nhiên, tinh dầu cỏ xạ hương khá mạnh do các hợp chất thymol, carvarol chiếm phần lớn. Nên bạn cần cẩn trọng liều lượng.

4.8. Tinh dầu xô thơm

Tinh dầu cây xô thơm có chứa thành phần hóa học chính là linalyl axetat. Hợp chất tương tự như trong tinh dầu hoa oải hương nên cây xô thơm rất hiệu quả trong việc tăng sự phát triển của tóc. Tinh dầu có thể cải thiện độ chắc khỏe của tóc, giúp tóc giảm gãy rụng hơn. Nếu yêu thích mùi của tinh dầu xô thơm còn lưu trên tóc thì bạn có thể cân nhắc sử dụng tinh dầu này nhé.

4.9. Tinh dầu tràm trà

Tinh dầu tràm trà có đặc tính làm sạch, kháng khuẩn và chống vi trùng mạnh mẽ. Khi sử dụng trên da dầu, nó có thể nuôi dưỡng các nang tóc và tăng sự phát triển của tóc.

Tinh dầu tràm trà trà có nhiều nồng độ khác nhau. Vì vậy, bạn cần phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất tinh dầu.

Một nghiên cứu năm 2013 đã chỉ ra rằng hỗn hợp có chứa dầu cây trà và minoxidil có hiệu quả hơn so với chỉ dùng minoxidil đơn thuần trong việc cải thiện sự phát triển của tóc. Ngoài ra, dầu tràm trà trà được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm trị gàu.

4.10. Tinh dầu Ngọc lan tây

Bên cạnh những loại tinh dầu dành cho những người có da đầu dầu và tóc bết thì tinh dầu ylang – ylang lại lý tưởng cho những người có da đầu khô. Bởi lẽ tinh dầu có thể kích thích sản xuất tuyến nhờn.

Nếu không đủ lượng dầu thì tóc trở nên khô và dễ gãy. Tinh dầu ylang – ylang có thể cải thiện kết cấu tóc và giảm gãy rụng tóc. Nếu tóc bạn đang khô cứng, có thể sử dụng tinh dầu này.

5. Cách sử dụng tinh dầu dưỡng tóc

5.1. Trộn với dầu nền

Cách sử dụng tinh dầu để dưỡng tóc vô cùng đơn giản với một số bước như sau:

  • Đầu tiên, bạn cần xác định tình trạng tóc và da đầu hiện tại của mình như là tóc bết, tóc khô hay gàu, …
  • Bước 2: Lựa chọn tinh dầu phù hợp với tình trạng của bản thân. Bạn có thể tham khảo những tinh dầu mà Kobi đã liệt kê ở trên.
  • Bước 3: Vì tinh dầu không thể thoa trực tiếp lên da nên bạn cần chọn loại dầu nền để pha loãng. Một số loại dầu nền mà bạn có thể sử dụng để thoa lên tóc như dầu hạt nho, dầu olive (loại không dành cho nấu ăn), dầu dừa, … Cùng với tinh dầu thì dầu nền cũng có khả năng giúp cho tóc bạn bóng khỏe và suôn mượt hơn.
  • Bước 4: Trộn theo tỉ lệ vài giọt tinh dầu với 1 muỗng canh dầu nền. Sau đó, tiến hành mát xa toàn bộ da dầu và phần thân tóc. Tùy theo độ dài của tóc mà sử dụng số lượng phù hợp.
  • Bước 5: Ủ tóc trong khoảng 30 phút – 1 tiếng. Bạn có thể dùng thêm khăn ủ để tăng nhiệt độ giúp hấp thụ tinh dầu tốt hơn.
  • Bước 6: Gội đầu và xả sạch hỗn hợp dầu trên tóc. Cách làm này bạn có thể thực hiện 1 – 2 lần trong tuần.

5.2. Làm nước xịt tóc

Thay vì dùng dầu nền, bạn cũng có thể sử dụng dạng nước xịt lên tóc. Bạn có thể tham khảo công thức sau: 1/2 cốc nước có ga, 1/4 cốc nước bưởi, 1/4 cốc nước cam, 1/4 cốc nước chanh và hai giọt dầu xô thơm. Làm ướt tóc và xịt hỗn hợp này lên tóc. Chải tóc và để trong năm phút. Sau đó, gội đầu bằng dầu gội và dầu xả thông thường.

Hoặc, nếu bạn “lười biếng” hơn nữa thì có thể trộn 10 giọt tinh dầu cây trà vào dầu gội và sử dụng hàng ngày.

6. Một số lưu ý nhỏ khi dùng tinh dầu dưỡng tóc

Có một vài lưu ý khi sử dụng tinh dầu để dưỡng tóc mà bạn cần phải nắm vững:

  • Nếu bạn nhỏ một số loại tinh dầu như cỏ xạ hương, sả chanh, … trực tiếp lên da đầu thì có thể gây kích ứng.
  • Bạn bắt buộc phải gội thật sạch bởi lẽ phần dầu thừa còn sót lại sẽ làm cho tóc bạn tệ hại hơn.
  • Đọc kĩ hướng dẫn trên nhãn để biết cách pha loãng dầu và không bao giờ sử dụng nhiều hơn lượng khuyến nghị.
  • Nếu bạn bị dị ứng với các loại thực vật tự nhiên thì hãy thử tinh dầu trên một vùng da nhỏ để xem bạn có dị ứng hay không.

7. Kết luận

Trên đây là một số thông tin về tinh dầu dưỡng tóc mà Kobi muốn cung cấp đến cho quý độc giả. Bài viết chi tiết về các tinh dầu khác, bạn đọc có thể tìm thấy trên website của chúng tôi. Hy vọng bài viết này giúp ích được cho bạn đọc đang trên con đường chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt là chăm sóc mái tóc.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.healthline.com/health/essential-oils-for-hair-growth
  2. https://www.webmd.com/beauty/natural-oils
  3. https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-da-li%E1%BB%85u/c%C3%A1c-b%E1%BB%87nh-v%E1%BB%81-t%C3%B3c/r%E1%BB%A5ng-t%C3%B3c
  4. https://www.healthshots.com/beauty/natural-cures/reverse-hair-damage-by-adding-grapefruit-to-your-hair-care-routine/
5/5 - (12 bình chọn)
Nguyễn Đình Quyết

Chào bạn. Tôi là Nguyễn Đình Quyết, hiện đang là CEO & Co-Founder của Công ty Cổ phần Kobi Việt Nam - doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối Tinh dầu thiên nhiên, dầu nền hàng đầu tại Việt Nam từ năm 2011. Chúng tôi luôn cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhanh chóng, thanh toán linh hoạt. Hãy kết nối với chúng tôi bạn nhé!

Recent Posts

Bí Ẩn Tinh Dầu Gỗ Ngọc Am Trong Nghệ Thuật Ướp Xác Của Người Ai Cập Cổ Đại

I. Giới thiệu Trong lòng sa mạc mênh mông của Ai Cập, những kim tự…

1 tuần ago

Ý nghĩa của Chỉ số khúc xạ và Khối lượng riêng của Tinh dầu thiên nhiên

1. Giới thiệu Tinh dầu thiên nhiên – Kho báu quý giá từ thiên nhiên…

4 tuần ago

Vì Sao Tinh Dầu Hương Thảo Có Mùi Giống Bạc Hà

Hỏi: Vì sao tinh dầu hương thảo có mùi giống tinh dầu bạc hà? Đáp:…

4 tuần ago

Oleoresin là gì?

1. Giới thiệu về Oleoresin 1.1. Oleoresin là gì? Oleoresin, hay còn gọi là nhựa…

4 tuần ago

Nên Mát-xa Mặt Trong Bao Lâu?

Thời gian massage mặt lý tưởng thường dao động từ 5 đến 15 phút. Tuy…

1 tháng ago

Tinh dầu mùi già – Bí quyết xông nhà đón Tết an lành

I. Giới thiệu về tinh dầu mùi già 1. Nguồn gốc và lịch sử: Cây…

2 tháng ago