Cây Cát Lồi và Giá Trị Dược Lý Tiềm Năng
Từ lâu, cây cát lồi đã nhân dân ưa chuộng và sử dụng trong hệ thống y học truyền thống. Bởi chúng được phát hiện có nhiều hoạt tính dược lý cũng như giá trị sức khỏe tiềm năng. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin cập nhật về các tính chất dược học và công dụng của cát lồi. Mời quý độc giả cùng Kobi khám phá nhé.
1. Tổng quan về cây cát lồi
1.1 Thông tin chung
- Danh pháp khoa học của cát lồi: Costus speciosus (Koenig) Smith
- Tên đồng nghĩa: Costus loureiri, Amomum hirsutum.
- Tên gọi khác: Mía dò, se vòng, đọt đắng, cây chót, tậu chó, òi phạ (Tày)…
- Tên nước ngoài: Elegant costus, spiral ginger, insulin plant…
- Họ thực vật: Chi Costus L., họ Mía dò (Costaceae) hoặc một số tài liệu ghi nhận thuộc họ Gừng Zingiberaceae.
Có thể nói rằng, nguồn dự trữ cây cát lồi ở nước ta rất dồi dào, ước tính lên đến hàng ngàn tấn.
1.2 Mô tả thực vật
Costus speciosus là thực vật thân thảo, sống lâu năm, chiều cao khoảng 1-2m, có thể lên đến 3m. Thân rễ to, nạc, mọc bò ngang trên đất, phần non có vảy bao bọc, vảy có lông ngắn. Thân cây xốp và ít phân nhánh.
Lá mọc so le với nhau, phiến lá hình trứng thuôn, gốc tròn có bẹ, đầu nhọn. Mép lá nguyên, mặt trên lá nhẵn, còn mặt dưới được bao phủ bởi lông mịn. Phiến lá dài khoảng 15-20cm, rộng 6-7cm, có gân chính nổi rõ. Ngoài ra, lá non mọc thành một đường xoắn ốc rất đặc biệt. Bẹ lá nhẵn hoặc có lông, lúc non màu lục nhạt sau đó dần chuyển trắng ngà hoặc đỏ sẫm; lưỡi bẹ phảng hoặc hơi vát.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành dạng bông chùy, dài khoảng 8-13cm, rộng 5-9cm. Lá bắc dày, màu đỏ, xếp lợp, có phần mũi nhọn, còn lá bắc con kề bên, cùng màu. Đài hoa hình ống loe ở đầu, có 3 răng cứng, màu đỏ sẫm; tràng hình phễu, có ống ngắn. Nhị hoa dạng cánh mang một bao phấn, chỉ nhị kết hợp với trung đới kéo dài thành một phần phụ hình trứng đảo hẹp, đầu tròn cong lòng máng, ôm lấy vòi nhụy. Cánh môi to, màu trắng, vàng hoặc hồng, khía răng ở đầu. Bầu cây cát lồi nhẵn hoặc có lông.
Quả nang, dài 13mm, hình tròn hoặc hình bầu dục có 3 cạnh, màu đỏ sẫm, có đài tồn tại. Bên trong quả chứa số lượng hạt nhiều, mỗi hạt có cạnh không đều, màu đen, bóng, dài 3 mm.
1.3 Đặc điểm sinh trưởng
Theo tài liệu, chi Costus L. phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, với khoảng 175 loài khắp thế giới. Chúng được tìm thấy xuất hiện nhiều ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Lào, Srilanka, Campuchia, Trung Quốc…Tại Việt Nam, cây phân bố rộng rãi ở tất cả các tỉnh thuộc vùng núi, trung du và cả đồng bằng châu thổ.
Costus speciosus có tính ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, không chịu được ngập úng. Chúng thường mọc thành từng khóm lớn trên đất ẩm, xen kẽ với các cây cỏ khác ở ven rừng, ven bờ sông suốt, nương rẫy…Ở vùng đồng bằng ít gặp hơn, trong các bụi quanh làng hay vườn đã bị bỏ hoang lâu ngày. Các địa phương chiếm số lượng cát lồi cao như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang…Ở miền Nam, cây mọc gần nơi ẩm ướt như các bờ kênh rạch.
Độ cao phân bố của cây rất rộng, từ vài chục mét, đến gần 1500m.
Cây cát lồi có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh chóng trong mùa xuân hè. Từ thân rễ, hàng năm mọc ra nhiều chồi theo hướng nằm ngang và có thể cho ra hoa quả ngay trong năm đầu tiên.
Đây cũng là thực vật có khả năng tái sinh chồi khỏe. Các đoạn thân khí sinh cũng như đoạn thân rễ hay hạt đều có thể tạo thành cây mới. Tuy nhiên, để đạt năng suất hiệu quả, trong sản xuất người ta áp dụng phương pháp nhân bằng đoạn thân hoặc rễ củ.
Thời điểm ra hoa của cát lồi khoảng tháng 7-11.
2. Cây cát lồi có thành phần hóa học gì?
Dưới đây là một số thành phần tiêu biểu của cây cát lồi:
Thân rễ tươi chứa 77-87% nước, khi ở trạng thái khô là 5,5 % nước, 0,75% chất tan trong este. Ngoài ra, còn có 6,75% chất albuminoid, 66,65% carbohydrat, 10,65% chất xơ và 9,7% chất tro.
Hạt chứa 6% dầu béo màu vàng nhạt, mùi ngọt. Thành phần axit béo của dầu như sau:
- Palmitic- 55,97%; s
- Stearic- 8,3%;
- Oleic- 22,75%;
- Linoleic-6,8%;
- Arachidic- 1,7%
Ngoài ra, các thành phần có hoạt tính sinh học được tìm thấy đặc biệt ở C. speciosus như:
- Diosgenin, dioscin, prosapogenins A và B của dioscin, gracillin,
- Costunolide, Eremanthin, β-carotene, α-tocopherol quinine, β-sitosterol, β-D-glucoside, dihydrophytylplastoquinone,
- 5α-stigmast-9(11) en3β -ol, methyl octadecanoate, cycloartenol, cycloartanol, cycloalaudenol, tetracosanyl octadecanoate, methyl hexadecanoate,
- …
3. Công dụng từ cây cát lồi
3.1 Tác dụng chống viêm
Costus speciosus đã được dân gian sử dụng từ lâu đời để điều trị các rối loạn viêm khác nhau như viêm phế quản, sốt, thấp khớp và đau đầu…
Ở nghiên cứu hiện đại, thành phần hoạt tính sinh học như diosgenin và costunolide đã được chứng minh là nguyên nhân chống lại các bệnh viêm nhiễm khác nhau. Do chúng được biết là có khả năng ức chế hoạt động của yếu tố (TNF-α), một cytokine, được giải phóng để đáp ứng với nhiễm trùng.
Mặt khác, nghiên cứu trên giai đoạn viêm cấp tính và mãn tính ở chuột cống trắng đều ghi nhận, chiết xuất từ cát lồi đều có tác dụng chống viêm rõ rệt.
Một tài liệu khác cũng ghi nhận, hỗn hợp saponin chiết xuất từ thảo dược có tác dụng chống viêm rõ rệt, tương đương với tác dụng của beta-methason.
3.2 Tác dụng giảm đau
Khi tiêm vào xoang bụng chuột nhắt trắng bằng dung dịch acid acetic để gây đau, kết quả cho thấy, chiết xuất từ thực vật này có tác dụng làm giảm số lần quặn đau so với lô đối chứng.
3.3 Hỗ trợ hạ đường huyết
Vào năm 2008, Daisy và cộng sự đã nghiên cứu tiềm năng bảo vệ của Costus speciosus trước những mối nguy hại từ bệnh đái tháo đường ở động vật. Theo đó, kết quả nghiên cứu trên chuột Wistar đực mắc bệnh tiểu đường do streptozotocin (STZ) ghi nhận: Chiết xuất thô hexane hay chiết xuất metanol của thân rễ C. speciosus đều có hiệu quả trong việc giảm mức glucose huyết thanh và bình thường hóa các thông số sinh hóa khác ở chuột mắc bệnh tiểu đường.
Mặt khác, tài liệu khác tiết lộ, ngoài Diosgenin, thành phần trị đái tháo đường, costunolide, cũng có tác dụng kích thích tế bào beta dẫn đến tiết insulin, hạ đường máu.
3.4 Hoạt động bảo vệ gan
Chiết xuất của cây C. speciosus cho thấy tiềm năng bảo vệ gan rất lớn vì nó chứa các hợp chất phenolic như saponin, steroid và glycoside…
Báo cáo từ N. Verma, R. L. Khosa vào năm 2009 đã đánh giá hoạt động bảo vệ gan của chiết xuất etanolic từ thân rễ cây trên chuột được xử lý bằng carbon tetrachloride. Theo đó, chiết xuất đã làm giảm đáng kể nồng độ men gan như SGOT, SGPT, phosphatase kiềm (ALKP), bilirubin huyết thanh (SBLN)…
3.5 Hoạt động chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa có nguồn gốc từ thực vật là giải pháp hiệu quả nhất cho các bệnh lý do các cuộc tấn công của gốc tự do gây ra. Điều tuyệt vời là các bộ phận khác nhau của cây cát lồi đều được đánh giá cao về hàm lượng polyphenol và hoạt tính chống oxy hóa.
Thực vật này là một nguồn rất giàu các hợp chất chống oxy hóa chính như:
- axit phenolic, α-tocopherol, axit ascorbic,
- β-caroteneglutathione, xanthones,
- tannin, lignan, flavon, flavonoid…
Do đó, nhiều nghiên cứu in vitro đã được tiến hành trên các bộ phận khác nhau của C. speciosus như rễ, thân và lá đều chứng minh rõ ràng tiềm năng chống oxy hóa to lớn của chúng.
3.6 Kháng khuẩn, kháng nấm
Thân rễ và lá của C. speciosus được biết là có nhiều loại hợp chất có đặc tính kháng khuẩn. Người ta tin rằng các alcaloid như diosgenin có thể chịu trách nhiệm cho các đặc tính này. Hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm đã được quan sát thấy trong chiết xuất hexane, chloroform, ethyl acetate và metanol.
Chiết xuất từ C.specious ức chế sự phát triển của vi khuẩn như:
- S. aureus
- S. epidermidis
- B. subtilis
Đặc biệt, chiết xuất hexane của C.speciosus cũng cho thấy hoạt động tốt chống lại các loại nấm được thử nghiệm. Có báo cáo cho rằng các thành phần thực vật như eremanthin và costunolide là nguyên nhân gây ra điều này.
- Trichophyton mentagrophytes,
- Epidermophyton floccosum
- Scopulariopsis sp,
- Aspergillus niger,
- Curvularia lunata,
- …
3.7 Cây cát lồi trong Y học cổ truyền
Trong Y học cổ truyền, cây cát lồi có vị đắng, tính hàn, quy kinh Can Thận.
Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, chống viêm, lợi tiểu, tiêu thũng, long đờm, cải thiện tiêu hóa…
Ngọn hay cành non của thảo dược đem nướng, rồi vắt lấy nước, hỗ trợ giảm đau mắt, đau tai.
Thân rễ lợi tiểu, giảm triệu chứng tiểu buốt, tiểu vàng, giảm sốt…
- Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với lá thành ngạnh chữa rối loạn tiểu tiện.
- Phối hợp với mộc tặc chữa tiểu đục
- Phối hợp với cà gai leo, cỏ xước, thổ phục linh chưa tê thấp, đau mỏi xương cốt.
Bên cạnh đó, một số lợi ích của vị thuốc theo kinh nghiệm dân gian cũng được ghi chép như:
- Ở Trung Quốc, nhân dân dùng Costus speciosus chữa viêm, phù thũng, tiểu tiện không thông, mề đay.
- Ở Ấn Độ, nhân dân dùng làm thuốc chữa sốt, bệnh ngoài da, thấp khớp, phù thũng, bệnh tiết niệu…
- Ở Malaysia, người ta còn dùng vị thuốc này kết hợp với trầu không để chữa ho.
- Nước sắc hoặc dịch lá dùng làm thuốc bài tiết mồ hôi hoặc để tắm cho người bệnh sốt cao.
4. Cách sử dụng và một số bài thuốc về cây cát lồi
4.1 Cách sử dụng thông dụng
Bộ phận thường dùng của cây cát lồi là: thân rễ, búp non, cành non. Dược liệu này hầu như không có mùi vị đặc trưng.
Thân rễ:
- Thân rễ sau khi thu hoạch vào mùa thu, đem rửa sạch, cắt bỏ rễ con.
- Sau đó, đem dược liệu cắt thành từng phiến mỏng, đem phơi hay sấy nhẹ cho khô.
- Nếu thân rễ khô thì phải ủ cho mềm rồi mới thái phiến.
- Dùng lửa nhỏ sao cho đến khi bề mặt dược liệu có màu vàng.
Ngày dùng 5-10g, hoặc 10-20g, dưới dạng nước sắc, cao lỏng, hoặc cao mềm.
Dùng cây cát lồi ở ngoài da thì không kể liều lượng.
Bên cạnh đó, búp non và cành non có thể dùng tươi.
4.2 Một số bài thuốc dân gian tham khảo từ cây cát lồi
Giảm triệu chứng mề đay, mẩn ngứa:
- Lấy 100g dược liệu, sắc lấy nước, sau đó đem đi rửa, xoa hoặc đắp lên vùng da cần trị liệu khi nước còn ấm.
- Có thể pha loãng nước này để tắm hằng ngày.
Lợi tiểu:
Đem các dược liệu dưới đây, mỗi vị 10g sắc uống, 2-3 lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
- Cát lồi
- Mã đề
- Bồ công anh
- Rau má
- Râu ngô
- Cam thảo dây
- Rễ Cỏ tranh
5. Lưu ý gì khi sử dụng cây cát lồi
- Dùng quá liều cây cát lồi tươi có thể dẫn đến ngộ độc, để giải độc khuyên dùng vị thuốc cam thảo 2-5g sắc nước uống, dùng khi còn ấm. Vài triệu chứng khó chịu phổ biến như đau bụng, chóng mặt, nôn ói…
- Phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú nên cẩn thận khi sử dụng dược liệu Costus speciosus
- Dù đây là vị thuốc lành tính, nhưng người bệnh cần trao đổi với thầy thuốc về cách dùng, liều lượng để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng.
6. Tổng kết
Cát lồi (Costus speciosus) thật sự là vị thuốc quý báu với công dụng dược lý tuyệt vời. Mong rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nghiên cứu chi tiết khám phá tính năng và tác dụng dược lý của dược liệu này. Và đừng quên đồng hành cùng Kobi nếu bạn muốn tìm hiểu về thế giới thiên nhiên nhé.
Tài liệu tham khảo
- Viện Dược Liệu. (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II, trang 272. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật.
- Đỗ Tất Lợi. (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 568. Nhà xuất bản Y học.
- Costus speciosus (Keukand): A review https://www.researchgate.net/publication/216410151_Costus_speciosus_Keukand_A_review
- Antimicrobial activity of sesquiterpene lactones isolated from traditional medicinal plant, Costus speciosus (Koen ex.Retz.) Sm https://bmccomplementmedtherapies.biomedcentral.com/articles/10.1186/1472-6882-12-13
- Phytochemical competence and pharmacological perspectives of an endangered boon—Costus speciosus (Koen.) Sm.: a comprehensive review https://bnrc.springeropen.com/articles/10.1186/s42269-021-00663-2
Công ty Cổ phần Kobi Việt Nam.
ĐKKD: 0105169042 do sở KH & ĐT Hà Nội cấp ngày 01/03/2011.
Trụ sở chính: Lô 37 liền kề 6, KĐT Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.
Chi nhánh HCM: Tòa nhà ACB, 543 Lũy Bán Bích, Hoà Thanh, Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.