30 NGÀY ĐỔI TRẢ MIỄN PHÍ, GIAO HÀNG TOÀN QUỐC
Cay choi moi

Cây chòi mòi: Dược liệu quý không thể thiếu trong bài thuốc Đông y

Chòi mòi là loài thực vật có thể đã quen thuộc với một số địa phương. Thông qua những hoạt chất giá trị, các nghiên cứu đánh giá hoạt tính sinh học cho thấy chòi mòi là thực vật đem lại những thông tin đáng quan tâm như kháng nấm, kháng khuẩn, chống oxy hóa…Dưới đây, Kobi sẽ cung cấp một số thông tin tham khảo về cây chòi mòi đến quý độc giả.

1. Tổng quan về cây chòi mòi

1.1 Thông tin chung về chi chòi mòi (Antidesma)

Hiện nay, chòi mòi là nhóm thực vật có vị trí phân loại như sau:

  • Ngành: Mộc lan (Magnoliophyta);
  • Lớp: Hai lá mầm (Magnoliopsida);
  • Bộ: Sơ ri (Malpighiales);
  • Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae);
  • Chi chòi mòi (Antidesma);

Gần đây, một số tài liệu đã thông báo xếp chi Antidesma vào họ Diệp hạ châu (Phyllanthaceae).

Ngày nay, quần thể thực vậy này đa dạng với hơn 150-180 loài trên thế giới. Chúng phân bố chủ yếu ở châu Á và số ít ở châu Phi, Australia, đảo Thái Bình Dương, Madagascar…

Ở nước ta, theo tác giả Nguyễn Tiến Bân, chi Antidesma được ghi nhận với khoảng 29 loài. Các loài thuộc chi này còn thường xuất hiện trong tầng dưới của rừng thưa, rừng nhiệt đới…Trong đó bao gồm 6 loài đặc hữu, phân bố rộng rãi từ Bắc đến Nam, từ núi cao đến sát biển.

  • Antidesma annamense Gagne: tên thường gọi là chòi mòi trung bộ;
  • Antidesma chonmon Gagnep: tên thường gọi là chai mai, chân môn;
  • Antidesma ghaesembilla : tên thường gọi là chòi mòi, chu mòi, chua mòi, chóp mòi…;
  • Antidesma phanrangense Gagnep: tên thường gọi là chinh, cù chính, a da…;
  • Antidesma poilanei Gagnep: chòi mòi chùm đơn, chòi mòi poilane, chòi mòi cuốn…;
  • Antidesma tonkinense Gagnep: tên gọi khác là chòi mòi bắc bộ;

Theo đó, mỗi loài chòi mòi sẽ có những lợi ích và công dụng riêng biệt. Bài viết này, chúng tôi xin đề cập nhiều hơn về loài chòi mòi Antidesma ghaesembilla, cũng như thông tin thú vị khác về chi Chòi mòi.

1-Chòi mòi là nhóm thực vật thuộc chi Antidesma.

1.2 Thông tin về cây chòi mòi Antidesma ghaesembilla

1.2.1 Mô tả thực vật

Loài Antidesma ghaesembilla được mô tả vào năm 1788 bởi nhà thực vật học người Đức Joseph Gaertner. Theo danh mục thực vật ở nước ta, chúng có:

  • Tên thường gọi: Chòi mòi, Chua mòi, Chóp mòi, Chùm mòi…
  • Thuộc Chi: Antidesma, Họ: Euphorbiaceae;
  • Là thực vật cây gỗ nhỏ thường xanh, cao trung bình 3-8m;
  • Cành và nhánh dạng cong, mặt sau nhẵn, màu xám nhạt, có lông thưa bao phủ lớp ngoài;
  • Phiến lá có dạng hình bầu dục tròn hay hình thoi hẹp, có khi hình tim. Lá màu xanh, riêng bề mặt dưới được che phủ bởi lông mịn như nhung;
  • Cụm hoa dạng chùy gồm 3-8 bông, mọc ở ngọn hay nách lá phía trên. Hoa cái không mang cuống hoa, có 4-5 lá đài và 4-5 nhị, bao phấn hình chữ U. Còn hoa cái cũng gần như không cuống, với 4 lá đài, bầy có lông mềm và 3-4 đầu nhụy.
  • Quả hình tròn hay hình bầu dục, đường kính khoảng 4,5mm.

5-Phiến lá có dạng hình bầu dục, màu xanh.

1.2.2 Đặc điểm sinh trưởng

Theo tài liệu, thực vật này là dạng cây bụi hoặc gỗ, thường mọc trong đất ẩm ở các quần xã thực vật khác nhau. Chúng có nguồn gốc từ khu vực bắc Australia đến Philippine, Trung Quốc, Tây Ấn Độ…Thực tế, loài chòi mòi này phân bố rộng rãi như vùng Tây Himalaya, Úc, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam..

Thời điểm ra hoa và quả chín phụ thuộc vào môi trường sống:

  • Ở Tây Úc: ra hoa từ tháng 8-12;
  • Ở Thái Lan: chòi mòi ra hoa và đậu quả thường xuyên quanh năm;
  • Ở Trung Quốc: ra hoa từ tháng 3-9, đậu quả từ tháng 6-12;

Chòi mòi cũng liên quan và là ký chủ của một số loại nấm như:

  • Pestalotiopsis rhododendri (Trung Quốc);
  • Pestalotiopsis theae (Ấn Độ);
  • Phakopsoraceae Crossopsora antidesmae-dioicae (Indonesia, Philippines, Trung Quốc…)
  • Nấm Aspergillus flavus và Penicillium spp. (Philippines);

4-chòi mòi cũng là ký chủ của một số loài nấm

2. Cây chòi mòi có thành phần hóa học gì?

2.1 Thành phần hóa học của chi chòi mòi (Antidesma)

Theo ghi nhận, thành phần và hoạt tính sinh học của chi Antidesma được được bắt đầu những năm 1977. Bên cạnh đó, thống kê cũng cho thấy trong số  hơn 150 loài của chi này, mới có khoảng 12 loài được nghiên cứu thành phần hóa học. Bao gồm A. acidum, A. bunius, A. chevalieri, A. ghaesembilla, A. japonicum, A. laciniatum, A. menasu, A. membranaceum, A. montana, A. pentandrum, A. thwaitesianum và A. venosum.

Cho đến nay khoảng 100 hợp chất khác nhau đã được phân lập từ nhà khoa học trên thế giới. Tùy vào những từng loài và điều kiện sống khác nhau (môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng, chăm sóc…) mà giữa các loài sẽ có sự khác biệt đôi chút về hoạt chất.

Những hợp chất được phân lập phong phú gồm alkaloid, steroid, megastigmane, triterpenoid, flavonoid, lignan, các dẫn xuất coumarin và một số hợp chất phenolic khác.

2.2 Thành phần hóa học của cây chòi mòi A. ghaesembilla

Theo tài liệu, khởi đầu là nghiên cứu về thành phần hóa học của loài A. ghaesembilla đến từ nhà khoa học A. K. Garain và cộng sự. Ngày nay, với nhiều nghiên cứu hơn mang lại những kết quả chi tiết và cụ thể hơn.

Theo đa số những khảo sát sơ bộ về thành phần hóa học từ dịch chiết của cây chòi mòi (A. ghaesembilla) đa ghi nhận sự có mặt của đa dạng hợp chất. Có thể kể đến hoạt chất chủ yếu như phenol, flavonoid, tannin, coumarin, saponin, anthraquinone, anthrone…Bên cạnh đó, với sự tiến bộ của y học, những thành phần khác cũng được khám phá như:

  • Chất megastigmane và hợp chất vomifoliol từ lá (theo Maria và cộng sự);
  • Sử dụng kết hợp các phương pháp sắc ký, từ loài A. ghaesembilla đã phân tích được sự có mặt của 7 hợp chất.
    • Vanillyl alcohol 4-O-β-D-glucopyranoside;
    • 4-hydroxy-3,5-dimethoxybenzyl-O-β-D-glucopyranoside;
    • Luteolin-4′-O-β-D-glucopyranoside;
    • Vitexin;
    • Orientin;
    • Isovitexin;
    • Homoorientin;

(Theo mẫu nghiên cứu được thu hái vào tháng 3 năm 2013 tại Buôn Đôn, Đăk Lăk, được xác định bởi TS. Nguyễn Quốc Bình, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam).

3. Công dụng từ cây chòi mòi

Đến nay, báo cáo khoa học về hoạt tính sinh học của dịch chiết các loài thuộc chi Antidesma nói chung và A. ghaesembilla còn khá ít. Dưới đây là một số công dụng và bằng chứng khoa học nổi bật phù hợp với tác dụng trị liệu của thực vật theo đông y.

3.1 Chống oxy hóa

Bằng chứng về khả năng chống oxy hóa từ cây chòi mòi phong phú gồm:

  • Vào năm 2011, hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết methanol từ loài A. ghaesembilla được thông báo với giá trị IC50 là 632,52 mg/mL. Kết quả này thu được khi so chúng với chất đối chứng dương là acid ascorbic. (Razibul Habib và cộng sự)
  • Nhờ hợp chất phenolic mà dịch chiết thực vậy này cho thấy hoạt tính chống oxy hóa. (Theo Gargantiel và Ysrael)
  • Ngoài ra, báo cáo khác cũng ghi nhận hoạt tính chống oxy hóa của polyphenol có trong hạt và bã quả chòi mòi loài thwaitesianum.

3.2 Hoạt tính kháng khuẩn

Hoạt tính kháng khuẩn của cây chòi mòi cũng được đánh giá tích cực:

  • Dịch chiết từ loài ghaesembilla có thể ức chế sự phát triển của 7 chủng vi khuẩn thử nghiệm. Bao gồm Shigella dysenteriae, Pseudomonas aeruginosa, Vibrio cholerae, Bacillus cereus, Salmonella typhi, Shigella sonnei, Bacillus megaterium.
  • Ngoài ra, nghiên cứu trên loài chòi mòi venosum cho thấy, dịch tiết từ loài kháng khuẩn tốt với một số chủng vi khuẩn gram (+) và gram (-). Có thể kể đến như Staphylococcus aureus, Bacillus anthracis, Bacillus subtilis, Streptococcus faecalis, Bacillus cereus, Streptococcus lactis, Shigella sp, Escherichia coli, Proteus vulgaris và Salmonella typhi…

3.3 Tiềm năng hỗ trợ giảm đường huyết

Tiềm năng về hỗ trợ điều hòa mức đường huyết chỉ mới được ghi nhận trên động vật. Theo đó, nhà khoa học Gargantiel đã kiểm tra về tác dụng giảm đường huyết trên chuột của dịch chiết methanol từ loài cây chòi mòi A. ghaesembilla. Kết quả trong vòng 21 ngày, với liều thử 100mg, 400mg và 1000mg/kg, sẽ đem đến công dụng kiểm soát đường huyết trong máu chuột thử nghiệm với tỷ lệ lần lượt 55,06%, 56,65% và 54,47%. Điều này, đem đến tín hiệu khả quan để nghiên cứu sâu và chi tiết hơn về công dụng hỗ trợ hạ đường huyết từ cây chòi mòi.

Bên cạnh những điều trên, bằng chứng khác về hoạt tính kháng bệnh tiểu đường của các loài thuộc chi Antidesma có thể kể đến như:

Năm 2006, nghiên cứu khả năng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo được từ loài A. madagascariense, kết quả cho thấy dịch chiết của chúng có khả năng: Tạo ra kích thích lên sự vận chuyển  L-tyrosine, D-glucose, chất lỏng và chất điện ly trong hệ tiêu hóa chuột tương tự như insulin.

3.4 Tín hiệu khả quan trong điều trị ung thư của cây chòi mòi

Trong điều trị ung thư, chiết xuất từ nhóm cây chòi mòi là “nguyên liệu” mới và đầy tiềm năng, đem lại những tín hiệu khả quan như:

  • Từ nghiên cứu về các coumarin lignan của loài A. Pentandrum, nhà khoa học Y.C. Cheng và cộng sự đã cho thấy khả năng gây độc và ức chế một số dòng tế bào ung thư. Chẳng hạn như tế bào MCF7, NCI-H460 và SF-268.
  • Bên cạnh đó, cũng ghi nhận kết quả gây độc tế bào ung thư loài chòi mòi khác như A. Venosum, A. cuspidatum…

3.5 Theo Y học cổ truyền

Từ lâu, từng bộ phận của cây chòi mòi đều được ứng dụng trong bài thuốc dân gian để trị bệnh.

  • Quả có vị chua, ăn được: bổ phổi, chữa ho…;
  • Hoa: trị tê thấp;
  • Vỏ: cầm tiêu chảy, thuốc bổ;
  • Lá dùng ngoài, giã đắp giảm đau đầu.
  • Rễ: giải cảm, hạ sốt, giảm ho và đau đầu…

Ngoài loài thường gặp là A. ghaesembilla, những loài chòi mòi khác cũng mang đến lợi ích tích cực như:

  • Loài A. fruticosum: lá được dùng trong điều trị một số bệnh ngoài da.
  • Loài A. cochinchinensis (chòi mòi nam bộ) có công dụng bồi bổ sức khỏe;
  • Loài A. poilanei: dùng ngoài da để giảm đau với các vết thương do và đập, vết sưng…
  • Loài A. acidum: vị đắng, tính hàn, tác dụng trợ khí, làm mạnh gân cốt…Tuy vậy phần vỏ thân loài này đã được thông báo có chứa các hợp chất alkaloid có thể gây độc tính, khi dùng với liều lượng cao.

2-Quả chòi mòi ăn được

3. Cách sử dụng và một số bài thuốc từ cây chòi mòi

3.1 Cách sử dụng thông dụng

Lá và quả: ăn được, dùng trong ẩm thực;

  • Lá non có vị chát, chua nhẹ làm rau ăn sống hoặc chế biến xào, luộc chung với những loại rau tập tàng khác.
  • Quả non có vị chua thường dùng làm tăng khẩu vị cho món rau rừng;
  • Quả chín có vị ngọt mát, ăn được;
  • Vỏ thân được dân gian sử dụng để chữa tiêu chảy, phục hồi sức khỏe cho phụ nữ mới sinh…
  • Lá chòi mòi tươi: đem giã nhuyễn ra đắp vào đầu trẻ em, có thể giảm đau đầu và hạn chế triệu chứng cảm cúm.

3-lá chòi mòi có vị chát, chua nhẹ

3.2 Giới thiệu cách dùng cây chòi mòi tại một số quốc gia

  • Australia: khi chín có màu tím sẫm, nhiều vitamin C, có thể khiến môi, lưỡi của bạn có màu xanh tím khi ăn hoặc uống chúng. Tại vài địa phương thảo dược được yêu thích làm thức uống bằng cách nghiền nát và ngâm quả chín trong nước.
  • Campuchia: Bên cạnh sử dụng trong y học cổ truyền, quả chòi mòi còn được ăn tươi hoặc ngâm chua;
  • Việt Nam: Lá đã được dùng trong đông y để trị bệnh bên ngoài da. Còn quả có thể hỗ trợ vấn đề viêm họng và bệnh phổi.
  • Trung Quốc: quả chòi mòi là nguyên liệu thực phẩm. Còn trong y học dân gian, lá được dùng chữa đau đầu, quả làm thuốc tẩy, thân cây kích thích kinh nguyệt…

3.3 Bài thuốc dân gian từ cây chòi mòi A. ghaesembilla

Trị tiêu chảy:

  • Dùng phần vỏ thân chòi mòi, vỏ cây van núi và gáo tròn, tỷ lệ bằng nhau khoảng 1 nắm tay.
  • Cho vào 600ml hỗn hợp nước sôi;
  • Hãm lấy phần nước rồi chia ra 2-3 lần uống trong ngày;

Thuốc bổ cho thai phụ mới sinh nở:

  • Vỏ chòi mòi: khoảng 7 miếng, kích thước dài 5-6cm, rộng 2 đốt ngón tay;
  • Vỏ dứa thơm với lượng tương đương như trên;
  • Cho 2 thứ trên vào nồi rồi đổ vào 3 bát nước;
  • Đem đi sắc thuốc đến khi còn 1 bát và uống;

Điều hòa kinh nguyệt:

  • Dùng cành non chòi mòi kết hợp với rễ đu đủ, mỗi thứ khoảng 50g (khoảng 1 nắm tay to);
  • Thêm 2-3 bát nước vào hỗn hợp trên;
  • Đem đun sôi trong 1-2 giờ rồi lọc nước uống trong ngày;

4. Lưu ý khi sử dụng cây chòi mòi

Kobi luôn khuyến khích người tiêu dùng tham khảo sự tư vấn của thầy thuốc trước khi sử dụng cây chòi mòi trong trị liệu. Đặc biệt là đối tượng đang có tình trạng sức khỏe nhạy cảm, bởi những nghiên cứu khoa học vẫn còn khá hạn chế. Chẳng hạn như:

  • Thai phụ và phụ nữ đang cho con bú khuyến cáo không nên tự ý dùng cây chòi mòi bởi lo ngại về các rủi ro tiềm ẩn. Nếu có dùng hãy trao đổi kỹ càng với người có chuyên môn và được theo dõi tình trạng sức khỏe chặt chẽ.
  • Trong dân gian vẫn có ghi chép về việc sử dụng chòi mòi ở trẻ nhỏ tuổi. Tuy nhiên, không được khuyến nghị sử dụng thường xuyên do báo cáo bằng chứng khoa học vẫn chưa hoàn thiện rõ ràng.
  • Bên cạnh đó, nếu từng có tiền sử dị ứng với thành phần trong chòi mòi thì đây cũng không phải là thảo dược dành cho bạn.

5. Tổng kết

Như vậy, cây chòi mòi dù phân bố khá rộng rãi và được dùng nhiều trong dân gian, nhưng hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về loài này. Hi vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ  cung cấp thêm minh chứng khoa học nhằm giải thích công dụng của loài này trong các bài thuốc dân gian. Nếu muốn khám phá thêm những thực vật tự nhiên khác, hãy đến với Kobi nhé.

Tài liệu tham khảo

  1. Vũ Thị Hoa (2017), Phân tích thành phần hóa học loài chòi mòi (Antidesma ghaesembilla Gaertn), trường Đại học Thái Nguyên.
  2. Cây thuốc Việt Nam – Võ văn Chi – Trang 238.
  3. Antidesma ghaesembilla https://en.wikipedia.org/wiki/Antidesma_ghaesembilla
5/5 - (1 bình chọn)
Bang-gia-si-tinh-dau-thien-nhien

Đăng ký nhận tin

giai-phap-tiep-thi-mui-huong-800x1600

Công ty Cổ phần Kobi Việt Nam.

ĐKKD: 0105169042 do sở KH & ĐT Hà Nội cấp ngày 01/03/2011.

Trụ sở chính: Lô 37 liền kề 6, KĐT Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.

Chi nhánh HCM: Tòa nhà ACB, 543 Lũy Bán Bích, Hoà Thanh, Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

© 2011-2024 Kobi Vietnam. All rights reserved.
Các thông tin trên Kobi.vn chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.Cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ và Nhân viên y tế.
[contact-form-7 id="19" title="Contact form"]