Vỏ Bưởi: 7 Công Dụng Tuyệt Vời Không Thể Bỏ Qua
Từ lâu, quả bưởi đã là loại trái cây phổ biến với nhiều gia đình Việt Nam. Mặc dù thường bị bỏ đi nhưng vỏ bưởi có rất nhiều tác dụng với sức khỏe, là vị thuốc trong Đông y. Cùng Kobi tìm hiểu về những lợi ích của vỏ bưởi trong bài viết sau.
1. Mô tả cây bưởi
Cây bưởi, tên khác là cây bòng, chu toan,… có tên khoa học là Citrus decumana Murr., Citrus maxima (Burm.) Merr., Citrus grandis Osbeck. Cây bưởi là loài cây thuộc gia đình họ Cam quýt Rutaceae.
Cây bưởi là cây có chiều cao trung bình – nhỡ, cao từ 8 – 12 mét. Cành bưởi có gai nhỏ ở kẽ lá. Lá bưởi mọc so le, phiến lá dài, hình trái xoan hoặc hình trứng. Gốc và đầu lá tù, mặt trên của lá nhẵn bóng, mặt dưới lá nhạt có gân lồi nổi rõ. Cuống lá có cánh rộng, tạo với phiến lá thành hình số 8.
Cụm hoa bưởi mọc ở nách lá tạo thành chùm. Có khoảng 6 – 10 hoa có màu trắng rất thơm. Lá bắc và cuống hoa có lớp lông mịn. Tràng hoa bưởi có 5 cánh dày, cánh rời nhau. Nhị hoa bưởi nhiều, chiều dài bằng nửa cánh hoa, xếp tỏa tròn. Bầu hoa hình cầu, có lớp lông.
Quả bưởi hình cầu, cùi bưởi rất dày. Quả màu vàng hoặc màu đỏ nhạt (tùy giống). Quả có nhiều múi mọng nước. Hạt bưởi dẹp, có góc cạnh và chất nhầy bao quanh. Lá và vỏ quả đều có tinh dầu thơm.
Hiện nay có rất nhiều giống bưởi với màu sắc, mùi vị chua ngọt khác nhau.
2. Đặc điểm sinh trưởng của cây bưởi
Cây bưởi có nguồn gốc từ Ấn Độ, Mã Lai. Cây được trồng ở hầu hết các nước Đông Nam Á và Nam Á thuộc vùng nhiệt đới – cận nhiệt đới. Ở nước ta, cây bưởi đã được trồng từ rất lâu đời và có rất nhiều giống bưởi khác nhau.
Cây bưởi là loài cây ưa ánh sáng, thíc vùng khí hậu nhiệt đới. Bưởi thích nghi với loại đất feralit đỏ vàng, có hàm lượng mùn trung bình và pH hơi chua. Cây bưởi thường rụng lá vào mùa đông ở miền Bắc và mùa khô ở miền Nam. Mùa xuân từ tháng 2 – tháng 3, cây bắt đầu ra lá non và nở hoa. Hoa tự thụ phấn và nhờ côn trùng.
Có thể trồng bưởi bằng hạt, cây chiết ghép hoặc dâm cành.
3. Thành phần hóa học của vỏ bưởi
Vỏ bưởi chứa khoảng 0.3% tinh dầu (ép) – 0.9% (chưng cất), flavonoid, pectin.
- Tinh dầu vỏ bưởi có 21 hợp chất được phát hiện. Trong đó có 13 hợp chất là tecpen. Tỉ lệ cao nhất là limonene, tiếp đến là β – myrcene, β – pinen, ocimene và β – copaene.
- Flavonoid chiếm 2.5 – 3.2% trong toàn bộ vỏ bưởi. Các flavonoid này gồm có neobesperidin, poncirin, isosakuranetin, 7 – β – neobespendosid.
4. Những công dụng của vỏ bưởi
4.1. Theo Đông y
Y học cổ truyền từ xa xưa đã sử dụng vỏ bưởi trong điều trị một số bệnh. Vỏ bưởi có vị đắng, cay the, có mùi thơm. Vỏ bưởi tính bình, có tác dụng trừ phong, hóa đờm, tiêu báng, giảm phù thũng, điều hòa máu huyết, giảm đau.
Vỏ bưởi còn chữa được ho, đờm tích tụ ở hầu họng – đường hô hấp, đau bụng, ăn uống không tiêu.
Để làm thuốc, người ta thường cạo bỏ lớp cùi trắng, chỉ lấy lớp vỏ bên ngoài, đem đi sao nhanh hoặc vi sao. Vỏ bưởi thường dùng từ 4 – 12 gam, sắc thành thuốc uống trong ngày.
4.2. Theo Tây y
4.2.1. Chống oxy hóa
Người ta đã phát hiện ra rằng vỏ bưởi là nguồn chính của polyphenol chống oxy hóa. Các hợp chất hoạt tính sinh học này có liên quan chặt chẽ với nhiều điều trị khác nhau. Hoạt động của polyphenol là khả năng loại bỏ các loại oxy phản ứng (ROS) và các loại nitơ phản ứng (RNS) trong quá trình oxy hóa.
- Naringin hàm lượng cao trong vỏ bưởi đã chứng minh các hoạt động chống viêm, chống ung thư, giảm lipid và chống oxy hóa.
- Hesperidin là một trong những glycoside flavanone chính chứng minh là có nhiều tác dụng điều trị như đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư. Hơn nữa, nó cho là ức chế ROS và tái tạo lại tế bào.
- Các flavonoid trong vỏ bưởi cũng có thể phát huy tác dụng bảo vệ thần kinh. Vì chúng tham gia vào quá trình điều chỉnh các hoạt động tế bào thần kinh và sức khỏe tâm thần. Như là linh hoạt của não, hành vi, tâm trạng, trầm cảm và nhận thức.
- Vỏ bưởi cũng là nguồn cung cấp Polymethoxylated Flavones (PMFs) hiếm khi xuất hiện ở các loại thực vật khác. PMFs hoạt động sinh lý hơn các dẫn xuất methyl hóa của chúng. Chúng có các đặc tính chống oxy hóa, chống khối u mạnh mẽ hơn. Thậm chí ức chế tăng sinh ở u vú, ngăn ngừa bệnh tật.
4.2.2. Kháng khuẩn, kháng nấm
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang không ngừng gia tăng trong y học, nông nghiệp và chăn nuôi. Các ước tính gần đây đã chỉ ra rằng kháng kháng sinh là nguyên nhân gây ra 700.000 ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng nếu không làm gì để giải quyết vấn đề này, các bệnh kháng thuốc có thể gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050 và thiệt hại cho nền kinh tế thảm khốc như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Hoạt tính kháng khuẩn của các chất chiết xuất từ vỏ bưởi đã được thử nghiệm trên vi khuẩn. Bao gồm Staphylococcus aureus, Enterococcus faecalis, Salmonella, Escherichia coli, P. aeruginosa, Klebsiella pneumoniae. Đây là những con vi khuẩn gây bệnh phổ biến như viêm phổi – phế quản, viêm ruột, mụn nhọt mủ, nhiễm trùng máu, … Chất chiết xuất từ vỏ bưởi đã chứng minh khả năng kháng khuẩn. Đồng thời khi kết hợp với một số thuốc kháng sinh có thể làm tăng hiệu quả điều trị.
4.2.3. Chống kí sinh trùng
Cryptosporidiosis là một bệnh ký sinh trùng cơ hội phân bố trên toàn cầu. Bệnh do Cryptosporidium đơn bào gây ra. Bệnh thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ em, … Hiện nay, chưa có thuốc điều trị và vắc xin đặc hiệu. Vì vậy, các phương pháp mới luôn là phao cứu cánh cho bệnh nhân.
Nghiên cứu cho rằng chiết xuất từ vỏ bưởi có tiềm năng điều trị và hiệu quả điều hòa miễn dịch chống lại bệnh Cryptosporidiosis. Bên cạnh đó, phần cùi vỏ trắng có tác dụng miễn dịch tốt hơn so với vỏ ngoài. Do đó, bạn có thể được sử dụng trong chế độ ăn uống hàng ngày để bảo vệ, chống lại nhiễm trùng.
4.2.4. Chống viêm
Viêm là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của những tác động bên ngoài và đóng một vai trò trong quá trình chữa bệnh.
Sự hiện diện của polysaccharid trong vỏ bưởi là hợp chất có hoạt tính kháng viêm tiềm năng. Đặc biệt là ức chế viêm mạn tính. Các bệnh nhân bị viêm họng mạn tính đã sử dụng vỏ bưởi trong 14 ngày và cho hiệu quả rõ rệt.
4.2.5. Chống khối u
Trong thử nghiệm khối u trên chuột, vỏ bưởi đã thể hiện tác dụng dự phòng và ức chế sự hình thành khối u rắn S180. Kết quả đã chỉ ra rằng vỏ bưởi có thể gây ra quá trình chết rụng tế bào khối u bằng cách ngăn chặn chu kỳ tế bào, điều chỉnh giảm các biểu hiện gene, điều hòa miễn dịch.
4.2.6. Hoạt động chống độc tố
Aflatoxin là một loại độc tố được tạo ra bởi một số loại nấm (Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus). Đây là chất độc gây ung thư và gây đột biến. Nghiên cứu năm 2010 đã thực hiện một nghiên cứu trong đó tinh dầu vỏ bưởi đã ức chế hoàn toàn Aflatoxin ở các nồng độ khác nhau.
4.2.7. Tác dụng của vỏ bưởi với rối loạn lipid máu
Không chỉ có nước ép bưởi, mà vỏ bưởi cũng có tác động đến tình trạng rối loạn lipid máu.
Cụ thể là, nghiên cứu chỉ ra vỏ bưởi cải thiện chuyển hóa đường – glucose trong máu, ngăn ngừa tăng cân và giảm rối loạn lipid máu.
Chiết xuất vỏ quả bưởi giảm trọng lượng cơ thể, lipid máu toàn phần, Triglycerid, LDL-c trong máu ở chuột béo phì. Cơ chế thông qua kích hoạt các enzym sinh hóa chịu trách nhiệm chuyển hóa lipid.
5. Một số cách sử dụng vỏ bưởi
- Trị ho đờm: dùng vỏ bưởi 10 gam, rửa sạch, cắt sợi, hấp cùng với đường phèn. Uống ngày từ 2 – 3 lần giúp long loãng đờm, giảm ho.
- Chữa đau dạ dày: Vỏ quả bưởi đào, lá dạ cẩm, vỏ quýt (trần bì). Tỉ lệ 3 vị thuốc bằng nhau, đem đi tán bột nhỏ. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5 gam.
- Thuốc tẩy xổ: Vỏ bưởi the 12 gam, lá muồng trâu 20 gam, vỏ cây đại 20 gam. Đem đi sắc còn 1 chén nước thuốc, uống một lần là có thể đi ngoài được.
- Chữa cảm lạnh, đau bụng do lạnh: Vỏ bưởi phơi sấy khô, đốt và xông hơ vào rốn.
- Chữa thũng trướng: Theo Bách gia trân tàng của Hải Thượng Lãn Ông, Vỏ bưởi đào, mộc thông, bồ hóng bếp, lượng bằng nhau từ 20 – 30 gam, diêm tiêu (kali nitrat) 12 gam, đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) 8g. Mỗi ngày sắc uống hai lần lúc bụng đói. Kiêng ăn mặn và muối.
- Chữa phù thũng sau sinh đẻ: Theo Bách gia trân tàng, sử dụng vỏ bưởi khô, ích mẫu thảo có khối lượng bằng nhau, tán mịn. Mỗi lần uống 8 gam vào lúc đói. Nếu dùng thuốc sắc thì mỗi vị thuốc từ 20 – 30 gam.
- Giúp tóc nhanh mọc và mượt mà: Đun nước gội đầu có vỏ bưởi, hương nhu, mần trầu, sả chanh, bạc hà. Hoặc sử dụng tinh dầu vỏ bưởi và dầu nền (dầu dừa, dầu olive) nhẹ nhàng bóp lên tóc. Hai cách này sẽ giúp cho mái tóc trở nên bóng mượt, chắc khỏe và mọc tóc. Đặc biệt hiệu quả đối với các bà mẹ bị rụng tóc sau khi sinh đẻ.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể làm các món ẩm thực từ vỏ bưởi đơn giản tại nhà.
Hình ảnh tinh dầu của Kobi
6. Lưu ý khi sử dụng vỏ bưởi
Giống như những sản phẩm từ tự nhiên khác, khi sử vỏ bưởi bạn cần lưu ý dưới đây:
- Để làm thuốc hay ẩm thực, bạn nên chọn bưởi có nguồn gốc rõ ràng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Bạn nên chọn vỏ bưởi không bị sâu đục, không héo úa. Điều này giúp bạn tránh những phản ứng không đáng có.
- Nếu bạn bị dị ứng với các loại quả cam, chanh, quýt thì khả năng cao là bạn có thể dị ứng luôn cả vỏ bưởi. Vì vậy, bạn không nên sử dụng và cân nhắc những lựa chọn khác thay thế.
- Nếu bạn muốn sử dụng vỏ bưởi để trị bệnh thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.
7. Kết luận
Trên đây là một số thông tin về vỏ bưởi mà Kobi muốn đem đến cho bạn đọc và gia đình. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về tinh dầu bưởi và các tinh dầu khác trên website của Kobi.
- Xem ngay: Tinh dầu Bưởi nguyên chất
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Huy Bích. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4745316/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8243687/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33471284/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8527587/
Công ty Cổ phần Kobi Việt Nam.
ĐKKD: 0105169042 do sở KH & ĐT Hà Nội cấp ngày 01/03/2011.
Trụ sở chính: Lô 37 liền kề 6, KĐT Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.
Chi nhánh HCM: Tòa nhà ACB, 543 Lũy Bán Bích, Hoà Thanh, Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.