Trầm hương
Trầm hương là loài cây gỗ quý hiếm, từ lâu đã có giá trị đắt đỏ trên thị trường. Những tác dụng của trầm hương đã và đang tiếp tục được nghiên cứu. Kobi tổng hợp một số thông tin về trầm hương đến bạn đọc trong bài viết dưới đây
1. Mô tả về cây trầm hương
Cây trầm hương còn có tên khác là cây kỳ nam, dó bầu, trà hương. Cây trầm là một loại gỗ thơm ngoài gỗ có giá trị cao của chi Aquilaria spp. (Họ Thymelaeaceae). Có 31 loài Trầm hương được tìm thấy trên toàn thế giới. Như là Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Campuchia, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Papua New Guinea và Singapore. Cây trầm ở nước ta có tên khoa học là Aquilaria agallocha Roxb.
Cây gỗ trầm hương là loài cây thân gỗ, to, cao có thể lên tới 30 – 40 m. Vỏ cây màu xám, có xơ. Lá trầm mọc so le. Phiến lá mỏng, dạng hình thuôn, dài từ 8 – 10 cm, bề rộng 3 – 5 cm. Phần lá phía cuống nhọn, phần đầu lá cũng nhọn. Mặt trên lá có màu xanh bóng, mặt dưới màu xanh nhạt hơn và có lông. Cuống lá dài 4 – 5 mm, có phủ lớp lông, mặt trên cuống có rãnh. Cụm hoa trầm là dạng hoa tán, hoa chùm, mọc ở nách lá. Hoa có màu trắng. Quả trầm là quả khô, nang, hình lê, phủ lớp lông, dài 4 cm, bề rộng 3 cm. Vỏ quả trầm có thể mở thành 2 mảnh. Quả có một hạt hình nón, vỏ hạt bên ngoài cứng, bên trong mềm.
2. Đặc điểm sinh trưởng của trầm hương
Trầm hương mọc trong các khu rừng ở vùng núi dọc các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, …
Vị thuốc Trầm hương là phần gỗ có nhiều nhựa chảy ra từ cây trầm hương. Vì trầm có mùi rất thơm, thả gỗ xuống nước thì chìm xuống (trầm là chìm). Do đó, mới có tên gọi là trầm hương.
Cây trầm có thể tạo ra trầm hương (nhựa chảy) sau khi bị tác động vật lý như cào rạch xước, côn trùng chích, hoặc nhiễm vi khuẩn – nấm.
Gỗ kỳ nam (Qi – nan), hay kỳ nam hương là tên của loại trầm quý giá nhất, giá thường đắt gấp nhiều lần trầm hương. Kỳ nam có thể cho mùi thơm mà không cần đốt, không giống như các loại trầm hương khác.
3. Thành phần hóa học của trầm hương
Trong trầm hương chứa sesquiterpenes, dẫn xuất 2 (-2-phenylethyl) -4H-chromen-4-one, genkwanins, mangiferin, iriflophenones, cucurbitacins, terpenoid và axit phenolic.
- Dẫn xuất 2- (2-phenylethyl) -4 H -chromen-4-one và sesquiterpenes lần lượt chiếm 57% và 35%.
- Terpenoids, bao gồm sesquiterpenes và diterpenes, là thành phần chính của trầm hương.
- Flavonoid bao gồm một nhóm lớn các hợp chất polyphenol có cấu trúc benzo-γ-pyrone.
- Nghiên cứu gần đây đã xác định thêm 154 hợp chất mới. Vì vậy, các nghiên cứu về trầm hương vẫn tiếp tục.
4. Những công dụng của trầm hương
4.1. Theo Đông y
Trầm hương là vị thuốc quý hiếm và đắt đỏ trong Y học cổ truyền.
Trầm hương có vị cay, tính hơi ôn (ấm), quy vào 3 kinh là tỳ, vị, thận. Trầm hương có tác dụng nạp thận giáng khí, bình can, tráng nguyên dương.
Tác dụng của trầm chủ yếu giảm đau, an thần, chữa các bệnh đau ngực bụng, nôn mửa, bổ dạ dày, hen suyễn, bí tiểu tiện.
Trong y học cổ truyền Ả Rập, tinh dầu trầm hương được sử dụng để trị liệu bằng hương thơm.
4.2. Theo Tây y
4.2.1. Điều hòa hệ thần kinh
Theo truyền thống, trầm hương đã được sử dụng để an thần, giảm hưng phấn ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Trung Đông trong nhiều thế kỷ.
- Các nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh rằng trầm hương có tác dụng tích cực đối với hệ thần kinh. Chiết xuất của cây trầm kéo dài thời gian ngủ, tăng hiệu quả của thuốc an thần.
- Tinh dầu trầm hương giúp an thần chuột khi ngửi hương thơm khuếch tán. Tác dụng nhờ các thành phần dễ bay hơi chính là benzyl acetone, α – gurjunene và calarene.
- Agarofuran chiết xuất từ tinh dầu trầm hương cũng được ghi nhận là có giúp giải lo âu và chống trầm cảm ở chuột. Dẫn xuất giống agarofuran đã được tổng hợp và sàng lọc. Đây là một hợp chất hiệu quả để chống lo âu và chống trầm cảm, độc tính thấp, an toàn cao.
4.2.2. Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Các nghiên cứu dược lý cho thấy cây và lá trầm có tác dụng điều hòa hoạt động đường tiêu hóa.
- Các nghiên cứu đã chứng minh rằng chiết xuất cây trầm hương đã cải thiện đáng kể nhu động ruột, tăng cường làm rỗng dạ dày và ức chế vết loét dạ dày.
- Lá trầm đã tăng cường sức đẩy của ruột, gia tăng nhuận tràng ở chuột táo bón mà không gây tiêu chảy.
- Ngoài ra, benzyl acetone là một hợp chất hoạt tính từ tinh dầu trầm hương, có tác dụng tăng cường sự thèm ăn.
4.2.3. Kháng khuẩn và kháng nấm
Việc sử dụng ban đầu của trầm hương là để khử mùi, chống nấm ở Trung Quốc cổ đại, các nước Đông Nam Á. Ở Thái Lan, trầm đã được sử dụng điều trị truyền thống đối với các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy và bệnh ngoài da.
Nghiên cứu nhận thấy rằng tinh dầu trầm hương đều có hoạt tính ức chế vi khuẩn Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, nấm Candida albicans, nấm Fusarium solani… Tinh dầu khiến tế bào vi khuẩn sưng lên, bị biến dạng, ức chế hình thành màng sinh học, dẫn đến vỡ thành tế bào và chết vi khuẩn.
Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm của gỗ trầm là rõ ràng. Nhưng số lượng loài vi sinh vật bị ức chế vẫn chưa được nghiên cứu. Do đó, cần thêm nhiều khảo sát về phổ kháng khuẩn của trầm hương.
4.2.4. Chống viêm
Như chúng ta đã biết, viêm nhiễm có mối quan hệ mật thiết với các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh miễn dịch, rối loạn chuyển hóa và ung thư.
Tinh dầu trầm hương có khả năng chống viêm mạnh, ức chế các yếu tố gây viêm, giảm sưng phù do viêm, … Vì vậy tác dụng chống viêm thể hiện các hoạt tính dược lý sâu rộng của trầm hương.
4.2.5. Tác dụng giảm đau
Phản ứng đau là phản ứng tự nhiên của con người. Giảm đau giúp đem lại cảm giác dễ chịu, cải thiện sinh hoạt cho người bệnh.
Nghiên cứu hiện đại chứng minh chiết xuất của cây trầm kéo dài ngưỡng đau và giảm thời gian phản ứng đau. Jinkoh – erymol và agarospirol có thể là những hợp chất hoạt động, có tác dụng giảm đau.
4.2.6. Chống hen suyễn
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, trầm hương được sử dụng chống hen suyễn. Có thể được tìm thấy trong Dược điển Trung Quốc mới nhất. Chiết xuất ethanol từ cây và lá kỳ nam có thể giảm bệnh hen suyễn thông qua ức chế histamin.
4.2.7. Tác động lên một số tế bào ung thư
Tinh dầu trầm hương có hoạt tính chống ung thư đối với tế bào ung thư vú MCF-7 và tế bào ung thư biểu mô trực tràng HCT – 116.
β – Caryophyllene được phân lập từ tinh dầu, chống lại có chọn lọc các tế bào ung thư đại trực tràng, tế bào ung thư ruột kết. Hợp chất này có thể ức chế tăng sinh và cả di căn.
4.2.8. Chống bệnh tiểu đường
Chiết xuất ethanol của cả cây và lá kỳ nam làm giảm bệnh tiểu đường. Chiết xuất có hoạt tính nhanh trong vận chuyển, hấp thu glucose.
Hợp chất Iriflophenone 3 – C – β – glucoside làm giảm mức đường huyết lúc đói và tăng cường sự hấp thu glucose vào tế bào mỡ. Các hợp chất khác phân lập từ trầm hương cũng có tác dụng ức chế α – glucosidase.
4.2.9. Chống oxy hóa
Tinh dầu của cây trầm hương có tác dụng bảo vệ, chống lại tác hại oxy hóa trong tế bào.
Lá trầm có khả năng loại bỏ gốc tự do, chống oxy hóa trong các thử nghiệm quen thuộc như DPPH, ABTS, … Trong đó β – Caryophyllene là chất thể hiện tác dụng chống oxy hóa mạnh nhất được xác định Các hợp chất khác cũng cho thấy tác dụng chống oxy hóa.
4.2.10. Khác
- Lá trầm làm giảm đáng kể cơn sốt (nhiệt độ trực tràng) ở chuột.
- Dịch chiết trong nước của lá có hiệu quả trên ký sinh trùng Trypanosoma evansi.
- Chiết xuất trầm cho thấy tác dụng chống thiếu máu cục bộ bằng cách làm giảm hoạt hóa men gây đông máu.
5. Một số cách sử dụng trầm hương
- Ngày dùng từ 3 – 4 gam trầm hương. Thường dùng dạng bột, ngâm rượu, hoặc mài với nước uống. Ít khi nào nấu sắc trầm, vì sẽ bay hết các hợp chất thơm tinh dầu.
- Trầm hương được sử dụng để làm hương thơm, nước hoa, và các sản phẩm khác trên thị trường thế giới. Trầm hương cũng đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong các nghi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo.
- Ngày xưa gỗ trầm dùng làm gối gỗ để ngủ ngon. Ngày lễ tết có thể dùng g trầm đốt lên cho nhà cửa thơm tho. Bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu trầm hương với những hiệu quả tương tự như gỗ. Bằng cách thêm 1 – 2 giọt lên gối ngủ, ga giường. Hoặc thêm vào máy khuếch tán tinh dầu. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng tinh dầu để mát xa, giảm đau, giảm viêm khớp, …
- Ngoài ra, phần gỗ cây không cho trầm hương cũng được chế tác thành các trang sức, chuỗi vòng đeo tay, nhang (hương) thắp, …
6. Một số lưu ý khi sử dụng
- Với nhu cầu ngày càng tăng, số lượng các loài Trầm hương đang giảm nhanh chóng trong tự nhiên. Vì vậy, tất cả các loài Trầm hương đã được đưa vào danh sách Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp từ năm 2004.
- Trước thực trạng đó, việc trồng và quản lý trầm bền vững bằng các phương pháp nhân tạo đang ra đời, năng suất trầm ngày càng tăng. Do đó, trầm không còn cần phải lấy từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên hoang dã. Việc sử dụng đã được cho phép và nghiên cứu rộng rãi hơn, đặc biệt là trong nghiên cứu dược phẩm.
- Khi mua gỗ hoặc tinh dầu trầm hương, bạn cần tìm hiểu rõ nguồn gốc gỗ, uy tín, thẩm định chất lượng kĩ. Tránh mua nhầm hàng giả, kém chất lượng.
- Phụ nữ có thai, đang cho con bú, những người nhạy cảm dị ứng với trầm hương thì không nên sử dụng. Kể cả tinh dầu trầm hương.
- Nếu bạn muốn sử dụng với mục đích điều trị bệnh tật thì bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa của bạn.
7. Kết luận
Trên đây là bài viết về cây gỗ trầm hương của Kobi. Cây gỗ rất quý hiếm, có giá trị cao về kinh tế và sức khỏe con người. Kobi hiện cung cấp tinh dầu trầm hương và các sản phẩm khác uy tín, chất lượng. Bạn đọc quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
- Xem ngay: Tinh dầu trầm hương nguyên chất
Tài liệu tham khảo
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6017114/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27343768/
- https://en.wikipedia.org/wiki/Agarwood
Công ty Cổ phần Kobi Việt Nam.
ĐKKD: 0105169042 do sở KH & ĐT Hà Nội cấp ngày 01/03/2011.
Trụ sở chính: Lô 37 liền kề 6, KĐT Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.
Chi nhánh HCM: Tòa nhà ACB, 543 Lũy Bán Bích, Hoà Thanh, Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.