Skip to main content
30 NGÀY ĐỔI TRẢ MIỄN PHÍ, GIAO HÀNG TOÀN QUỐC
hoa-cut-lon-2

Hoa cứt lợn: khám phá lợi ích sức khỏe từ loài thực vật quen thuộc

Từ lâu, hoa cứt lợn được dân gian sử dụng để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý, nổi bật trong số đó là viêm xoang. Cùng với sự đa dạng trong thành phần và công dụng dược lý mà thực vật cũng như những sản phẩm từ chúng nhận được sự yêu thích của đông đảo người tiêu dùng. Sau đây, hãy cùng với Kobi khám phá lợi ích sức khỏe từ loài thảo dược dân dã và quen thuộc này nhé.

1. Cây cứt lợn là gì?

Cây cứt lợn (danh pháp khoa học-Ageratum conyzoides L.) là thực vật thuộc chi Ageratum L., họ Cúc (Asteraceae). Theo tài liệu, cây có nguồn gốc ở các quốc gia thuộc châu Mỹ. Sau đó, chúng phân bố rộng khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở châu Á, cây xuất hiện phổ biến tại nhiều khu vực như Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ, Việt Nam…

Ở nước ta, đây được coi là loài cỏ dại quen thuộc và có trữ lượng dồi dào. Chúng phân bố từ vùng núi cao trên 1500m đến miền trung du và cả đồng bằng. Có thể bắt gặp thực vật mọc ở các nương ngô, trong vườn nhà, ven đường đi, bãi sông…với đa dạng tên gọi khác nhau như cây cỏ hôi, cây cứt lợn, cây bù xít, hoa ngũ sắc…

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hoạch của cây hoa cứt lợn

Đặc điểm sinh trưởng:

  • Cứt lợn thuộc loại thảo mộc ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng;
  • Cây con thường mọc từ hạt và sinh trưởng mạnh trong mùa xuân hè;
  • Ra hoa quả nhiều, hạt có túm lông, phát tán nhờ gió đi khắp nơi;

Thu hoạch:

  • Cứt lợn là loài sống quanh năm nên có thể được thu hoạch bất cứ lúc nào. Sau khi trưởng thành, chúng được hái đem về, cắt bỏ rễ và loại bỏ tạp chất cũng như lá sâu bệnh. Tiếp đó, thảo dược được rửa sạch qua với nhiều lần nước rồi để ráo.
  • Theo kinh nghiệm dân gian, nếu muốn dùng tươi thì cần khử trùng bằng cách ngâm với nước muối loãng. Trong trường hợp dùng khô thì ta có thể cắt thực vật thành các đoạn ngắn khoảng 2-3cm rồi đem phơi khô hoặc sấy khô.

1.2. Mô tả thực vật

Thuộc loài cây thân nhỏ và mềm, mọc thẳng, chiều cao trung bình của cây khoảng 25-50cm. Bề mặt thân màu xanh hoặc tím đỏ được bao phủ một lớp lông ngắn màu trắng.

Phiến lá có hình dạng bầu dục hoặc tam giác đầu nhọn, kích thước dài 2-10cm, rộng 0,5-5cm, viền quanh mép lá có răng cưa tròn. Lá mọc đối, màu sắc ở bề mặt trên xanh đậm hơn mặt dưới. Hai mặt lá đều có lông mịn và mùi hắc đặc trưng, có 3 gân tỏa ra từ gốc lá.

Cụm hoa xếp thành ngù ở ngọn thân hoặc đầu cành, màu lam nhạt, tím hoặc trắng. Tổng bao gồm nhiều lá bắc xếp thành hai dãy, đầu nhỏ chứa toàn các hoa hình ống kích thước bé và đều nhau. Cuống cụm hoa có lông mềm.

Quả bế, có từ 3-5 sống dọc trên bề mặt, màu đen.

Trong dân gian, hầu như toàn bộ cây hoa cứt lợn (trừ rễ) đều có thể được sử dụng để dùng làm vị thuốc.

cay hoa cut lon
Cây hoa cứt lợn

2. Cây cứt lợn có tác dụng gì?

2.1. Thành phần hóa học

Theo tài liệu, cây cứt lợn có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú. Bao gồm:

  • Tinh dầu: có khoảng 51 hoạt chất, trong đó:
    • Chất monoterpene hydrocarbon (5%)
    • Chất monoterpene có oxy (1,4%);
    • Chất sesquiterpene hydrocarbon (4,3%);
    • Chất sesquiterpene có oxy (0,8%);
    • Chất phenylpropanoid và benzenoid (2,33%);
    • Chromen, chroman,…
  • Flavonoid, ancaloid, cùng nhiều hợp chất giá trị khác.

Cụ thể hơn, cây cứt lợn Việt Nam chứa tinh dầu (0,7-2%), carotenoid, phytosterol, tannin, saponin,…

Bảo quản:

  • Dược liệu tươi, thường được khuyến khích dùng ngay để giữ được trọn vẹn dược tính. Nếu cất trữ trong ngăn mát tủ lạnh thì phải xử lý thật ráo nước, rồi cho vào túi ni lông đã đục vài lỗ nhỏ. Cách này giúp tích trữ được thuốc trong khoảng 2-3 ngày, nên dùng càng sớm càng tốt.
  • Dược liệu khô: như đa số các vị thảo dược cần cất giữ cây hoa cứt lợn trong vật chứa kín, ngăn ngừa ẩm mốc, mối mọt. Đồng thời đặt ở vị trí thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu vào để bảo quản lâu hơn.

2.2. Tác dụng của hoa cứt lợn

Theo y học hiện đại

Một số tác dụng của cây cứt lợn được ghi nhận trong tài liệu “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam” như:

  • Theo nghiên cứu trên động vật vật đánh giá tích cực tác dụng chống viêm, chống phù nề, chống dị ứng của thực vật. Điều này được ứng dụng hiệu quả trong điều trị bệnh lý rối loạn, đặc biệt ở đường hô hấp.
  • Nồng độ thấp có tác dụng làm giãn mạch ngoại biên, ngược lại ở nồng độ cao chiết xuất có thể làm co mạch nhẹ.
  • Ức chế miễn dịch và kháng histamin được ghi nhận trong kết quả thí nghiệm ở chuột.

Ngoài ra, Khoa Tai Mũi Họng ở bệnh viện Phú Thọ vào năm 1973, áp dụng cây cứt lợn chữa viêm xoang đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt hơn, Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) đã áp dụng các chế phẩm của cây cứt lợn để điều trị các chứng bệnh viêm mũi xoang và đưa ra các nhận xét như:

  • Thực vật có tác động tích cực trong điều trị viêm mũi xoang mạn và viêm mũi xoang dị ứng. Chúng mang lại lợi ích kéo dài hạn chế tình trạng nghẹt mũi, viêm, tiết dịch, hắt hơi, nhức đầu…
  • Trong điều trị, viêm mũi xoang do dị ứng, sản phẩm này có thể thay thế cortisol.
  • Tuy nhiên, chúng mang lại kết quả kém đối với viêm mũi xoang có mủ đặc cấp và mãn tính.
  • Tác dụng phụ không đáng kể ngoại trừ cảm giác sót trong thời gian ngắn khi nhỏ mũi;

Theo y học cổ truyền

Hoa cứt lợn các các đặc tính sau:

  • Vị thuốc hoa cứt lợn có vị hơi đắng, tính mát, mùi hôi;
  • Quy kinh: Phế và Tâm bào;
  • Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, giảm sưng nề, sát trùng, trục ứ huyết,…
  • Chủ trị: chữa viêm xoang, viêm họng, viêm đường hô hấp, viêm dạ dày, đau bụng, sỏi thận, đau nhức khớp, rong huyết sau sanh nở…

Bên cạnh đó, nhân dân còn dùng hoa cứt lợn trong những trường hợp sau:

  • Thuốc hỗ trợ phụ nữ bị rong huyết sau khi sinh nở.
  • Phối hợp với bồ kết để nấu thành nước gội đầu. Điều này giúp tóc vừa sạch gàu, bóng mượt và thơm tho.

3. Cách sử dụng hoa cứt lợn phổ biến

Tùy vào mục đích mà có thể dùng dược liệu cây cứt lợn dưới dạng cây tươi hoặc khô đều được, liều dùng linh hoạt có thể tham khảo là:

  • Khi uống: 15-30g dạng thực vật khô (hoặc 30-60g dạng tươi).
  • Ngoài ra, không kể liều lượng nếu chỉ dùng ngoài da (bên ngoài cơ thể).

Dùng cây cứt lợn chữa viêm xoang dị ứng:

  • Hái cây tươi (lá, hoa) về rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt rồi tẩm vào bông gòn. Sau đó, đặt vào lỗ mũi bên đau, giữ nguyên trong khoảng 3-5 phút rồi rút ra. Thực hiện liên tục và đều đặn mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng viêm xoang thuyên giảm.
  • Hoặc dùng 30-35g lá và hoa cứt lợn tươi, rửa thật sạch với nước muối loãng rồi ép lấy nước cốt để uống.
  • Hoặc dùng 15-30g dược liệu khô: sắc cùng 200ml nước, uống 2 lần/ngày, cho đến khi giảm triệu chứng.

Hỗ trợ triệu chứng rong kinh sau khi sinh: Lá hoa thực vật tươi (30-50g) giã nhỏ, thêm nước, rồi vắt lấy nước uống trong vòng 3-4 ngày.

Chăm sóc tóc: Phối hợp với bồ kết để nấu thành nước gội đầu.

4. Lưu ý khi sử dụng hoa cứt lợn

Những trường hợp nên cẩn thận và phải tham khảo ý kiến người có chuyên môn trước khi sử dụng hoa cứt lợn:

  • Không dùng cho các đối tượng bị dị ứng với bất kỳ thành phần của cây cứt lợn.
  • Không nên lạm dụng, nấu uống hằng ngày dược liệu để thay thế hoàn toàn cho nước lọc trong thời gian dài. Bởi điều này sẽ có thể mang lại các rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe.
  • Các đối tượng cơ địa nhạy cảm phụ nữ có thai, cho con bú, bệnh lý cấp tính…cần thận trọng.

5. Đôi nét về tinh dầu cỏ hôi hay tinh dầu từ hoa cứt lợn

5.1. Thông tin chung

Tinh dầu hoa cứt lợn hay còn gọi là tinh dầu cỏ hôi là dung dịch được chiết xuất từ bộ phận (lá, hoa, thân) của thực vật cùng tên, thông qua phương pháp chưng cất hơi nước. Dung dịch này có kết cấu hơi sánh đặc, màu vàng nhạt đến vàng nghệ, mùi thơm dễ chịu. Các nghiên cứu thu được một số hoạt chất có trong tinh dầu này như β-caryophyllene, ageratochromen, precocene, germacrene D, caryophyllene oxide…Cùng đa dạng các flavonoid, alkaloid, chất chống oxy hóa khác…

5.2. Vài tác dụng nổi bật của tinh dầu cỏ hôi hay tinh dầu hoa cứt lợn

Tương tự như lợi ích sức khỏe của cây đã được trình bày ở trên, chiết xuất tinh dầu cũng đem lại những ấn tượng về công dụng của chúng.

  • Kháng khuẩn: Hoạt động kháng khuẩn mạnh nhất được bảo vệ chống lại vi khuẩn Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, E coli,…Ngoài ra, chúng còn có khả năng ức chế sự phát triển và sản sinh aflatoxin của chủng độc tố Aspergillus parasiticus.
  • Hoạt tính diệt ấu trùng mạnh, đặc biệt là muỗi hổ châu Á- Aedes albopictus.
  • Giảm đau, chống viêm;
  • Nguồn chất chống oxy hóa dồi dào;
  • Hỗ trợ điều trị viêm xoang cũng như một số triệu chứng khó chịu của rối loạn hô hấp. Ví dụ sổ mũi, nghẹt mũi, ho,…thông qua tiềm năng chống dị ứng (nhờ kháng histamin), kháng vi khuẩn, tăng tiết dịch làm loãng dịch xoang mũi;

5.3. Một số cách sử dụng tinh dầu cỏ hôi đơn giản

  • Xông hơi: phương pháp đơn giản này giúp tinh dầu có thể đi sâu vào các hốc xoang, tiêu diệt những ổ viêm và giảm tắc nghẽn xoang niêm mạc mũi.
  • Pha vào nước tắm, nước rửa chân và tận hưởng cảm giác thư giãn, xua tan mệt mỏi;
  • Cho thêm vào hỗn hợp gội đầu, dưỡng tóc giúp tóc suôn mượt và chắc khỏe hơn;
  • Phối hợp với dầu xoa bóp, massage tại các vị trí đau nhức khó chịu;
  • Khuếch tán để khử mùi hay xông nhà cửa, tạo nên không gian thoải mái của riêng bạn;

5. Tổng kết

Quả thực, hoa cứt lợn không chỉ là loài thực vật quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày mà chúng còn mang đến đa dạng các lợi ích khác nhau. Từ kinh nghiệm dân gian đến các nghiên cứu khoa học dần đưa ra các bằng chứng về hiệu quả của chúng đối với sức khỏe con người. Mong chờ trong tương lai, các khía cạnh tích cực khác của thảo dược này sẽ được khám phá thêm để ứng dụng vào đời sống. Nếu bạn muốn có những trải nghiệm phong phú hơn về thực vật và các chiết xuất từ chúng, hãy liên hệ Kobi nhé.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
  2. Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
  3. Antiaflatoxigenic and antioxidant activity of an essential oil from Ageratum conyzoides L https://www.academia.edu/14678031/Antiaflatoxigenic_and_antioxidant_activity_of_an_essential_oil_from_Ageratum_conyzoides_L
  4. Evaluation of larvicidal activity of the essential oil of Ageratum conyzoides L. aerial parts and its major constituents against Aedes albopictus https://www.semanticscholar.org/paper/Evaluation-of-larvicidal-activity-of-the-essential-Liu-Liu/c58e22391defc878e25617d705c8208e3d0eddc4
5/5 - (15 bình chọn)

Đăng ký nhận tin

Công ty Cổ phần Kobi Việt Nam.

ĐKKD: 0105169042 do sở KH & ĐT Hà Nội cấp ngày 01/03/2011.

Trụ sở chính: Lô 37 liền kề 6, KĐT Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội.

Chi nhánh HCM: Tòa nhà ACB, 543 Lũy Bán Bích, Hoà Thanh, Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

© 2011-2024 Kobi Vietnam. All rights reserved.
Các thông tin trên Kobi.vn chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.Cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ và Nhân viên y tế.
[contact-form-7 id="19" title="Contact form"]