Thực vật

Cây Trâm Ổi: Những Điều Thú Vị Bạn Cần Biết

Cây Trâm ổi (Lantana camara L. ) là loài thực vật có thể đã quen thuộc với một số khu vực địa lý. Nhờ những thành phần hóa học giá trị và tác dụng dược lý nổi bật mà thực vật này được các nghiên cứu khoa học đánh giá cao, ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Bây giờ, mời quý độc giả cùng Kobi khám phá thêm nhiều thông tin bổ ích về loài Trâm ổi này nhé.

1. Tổng quan về cây Trâm Ổi

1.1 Thông tin chung

  •       Danh pháp khoa học: Lantana camara L. hoặc Lantana aculeata.
  •       Tên gọi theo tiếng nước ngoài: Lantana wild sage, tick berry, bois de sauge…
  •       Tên gọi thông dụng: Bông ổi, hoa tử thời, hoa ngũ sắc, thơm ổi, trâm anh, tứ quý, ổi nho, mã anh đơn, bông hôi…
  •       Họ thực vật: họ Cỏ roi ngựa (tên khoa học Verbenaceae)

1.2 Mô tả cây Trâm ổi

Cây Trâm Ổi có kích thước nhỏ, dạng bụi, cao 1-2m. Thân cây vuông, phủ lông và có gai gập xuống, mang nhiều cành ngang, vươn dài. Lá mọc đối, hình trái xoan hay bầu dục, gốc tròn hoặc hình tim, đầu nhọn, mép khía răng đều, kích thước 3-9 cm, rộng 3-6 cm. Mặt trên sẫm bóng phủ lông cứng, mặt dưới nhạt có lông mềm hơn. Lá có mùi thơm của ổi chín.

Cụm hoa Lantana camara L mọc ở kẽ lá và đầu cành, là những bông co lại thành đầu giả hình cầu, đường kính 1-3cm, lá bắc dạng lá. Hoa Lantana camara không cuống, màu sắc đa dạng như màu đỏ , vàng, tím, da cam, trắng xen kẽ nên có nơi gọi là Ngũ sắc. Đài hoa hình chuông có lông, tràng có ống hình trụ hẹp, kèm cánh tròn 4-5 cái, có hai môi không rõ. Nhị cây Trâm Ổi 4-5 cái, bầu nhẵn.

Quả Lantana camara hình cầu, mọng, màu đỏ, nằm trong lá đài, mang hai hạch cứng, xù xì. Khi chín quả Lantana có màu tím đen.

Mùa hoa quả của cây Lantana camara vào khoảng tháng 4-9.

1.3 Đặc điểm sinh trưởng

Theo tài liệu, chi Lantana L, có khoảng 150 loài trên thế giới. Trong đó, phần lớn là cây bụi, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Một số loài được trồng làm cảnh hoặc làm thuốc ở nhiều nơi như ở vùng nhiệt đới châu Phi và các nước châu Á Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…

Ở Việt Nam, chi Lantana L. chỉ có một loài là cây Trâm ổi, không rõ du nhập vào nước Việt Nam ta từ bao giờ. Cho đến ngày nay, thực vật này mọc tự nhiên ở khắp nơi, nhất là các tỉnh trung du và vùng đồi thấp ven biển. Độ cao phân bố của cây Lantana lên tới khoảng 600m.

Cây Trâm ổi là loài cây ưa sáng, chịu hạn và có thể sống được trên nhiều loại đất. Cây thường mọc rải rác trong các quẩn thể cây bụi ở đồi, ven đường đi, bờ nương rẫy, ven rừng…Cây mọc ở nơi có nhiều ánh sáng thường ra hoa quả nhiều.

Lantana camara tái sinh trong tự nhiên bằng bộ phận hạt. Sức sống của chúng mạnh mẻ, bởi dù bị chặt phá nhiều lần vẫn có khả năng tái sinh. Ngoài ra, cây có thể được nhân giống dễ dàng bằng các phương pháp như giâm cành, gieo hạt, tách mầm…trong đó bằng hạt phổ biến hơn cả.

Ở nhiều nơi, cây Trâm ổi có thể trồng làm cảnh vì có hoa nhiều màu sắc và lâu tàn úa. Điều tuyệt vời là thực vật này không kén đất, có thể trồng trong vườn hay trong chậu.

Cây Trâm ổi còn gọi là cây Ngũ sắc bởi màu sắc hoa đa dạng.

2. Bộ phận thường dùng và thành phần hóa của cây Trâm ổi

Bộ phận thường dùng của cây Lantana camara là hoa, lá, cành mang lá, hái về phơi hoặc sấy khô.

Thành phần hóa học:

Lá Trâm ổi chứa 0,2 % tinh dầu với các hợp chất sesquiterpen:

  • Có thể là caryophyllene và L-alpha-phellandrene có tỷ lệ chiếm khoảng  10-12%.
  • Và humuen, pinen, p-cymene, terpinen…

Bên cạnh đó lá còn chứa các chất như:

  • Triterpen, acid oleanonic, acid lantanolic, lantadene A, lantadene B, lantaden C,…
  • Acid lantic, isoverhacosid, isonuomiosid A,…

Thân cây được nghiên cứu gồm 9 hợp chất triterpen là hỗn hợp alpha-amyrin và beta-amyrin, acid oleanolic, lantadene A, lantadene B, acid betulinic,, acid pomolic…Ngoài ra, bộ phận này còn chứa một số hợp chất khác như campestrol, stigntasterol, beta sitosterol…

Rễ cây Trâm ổi chứa 6 oligosaccharid và 6 iridoid glycosid được nhận dạng là verbascose, ajugose, lantanose A, lantanose B, lamiridosid, geniposide, beta-sitosterol, acid oleanolic…Ngoài ra, bộ phận này còn chứa các hợp chất triterpenoid khác như là acid lantanolic, acid oleanolic…

Bộ phận hoa được ghi nhận chứa khoảng 0.07% tinh dầu.

Hạt chứa khoảng 9% dầu béo, trong đó có các acid béo quen thuộc như acid linoleic, acid oleic, acid stearic, acid plamitic…

Lá cây Trâm ổi chứa lượng tinh dầu đặc trưng.

3. Công dụng từ cây Trâm ổi

Một số nghiên cứu về cây Trâm ổi ghi nhận tác dụng dược lý như:

3.1 Tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm

Theo ghi chép về tác dụng kháng khuẩn in vitro của cao nước lá bông ổi trên vi khuẩn và nấm được kết quả:

  • Chiết xuất các tác dụng kháng các khuẩn gram dương như Micrococcus glutamicus, Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis…
  • Tác dụng yếu trên các loại nấm như Candida albicans, Aspergillus fumigatus, A.niger, Trichophyton mentagrophytes…

Ngoài ra bước đầu, một báo cáo khác cũng cho thấy rằng chiết xuất của thực vật này chứa các nguyên tắc hoạt động chống lại vi khuẩn lao M. tuberculosis. Dù vậy, chúng vẫn cần phải được nghiên cứu thêm.

Dữ liệu còn cho thấy tiềm năng liên quan của L. camara như một nguồn thuốc điều trị bệnh leishmania. Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Leishmania sp gây nên.

 3.2 Chống oxy hóa

Kết quả cho thấy tất cả các bộ phận của cây đều có đặc tính chống oxy hóa bao gồm:

  • Hoạt động loại bỏ gốc tự do;
  • Ức chế xanthine oxyase;
  • Hoạt động loại bỏ nitrit.

Trong đó, dịch chiết lá của L. camara có hiệu quả hơn so với các bộ phận khác.

3.3 Chống lại côn trùng

Tinh dầu từ lá của L. camara có hoạt tính diệt các loại muỗi trưởng thành khác nhau. Song song đó, chúng còn có thể được sử dụng để phát triển thuốc trừ sâu gốc dầu nhằm bổ sung cho thuốc trừ sâu tổng hợp.

Trong nghiên cứu hiện tại, nhờ sự hiện diện của thành phần như Caryophyllene, eucalyptol, a-humelene, germanacrene…mà tinh dầu phân lập từ lá Lantana camara có thể chống lại vecto muỗi gây bệnh như loài muỗi:

  •       Ae. aegypti,
  •       Cx. quinquefasciatus,
  •       An. culicifacies,
  •       An. fluviatilis
  •       An. stephensi
Tinh dầu từ Trâm ổi có hoạt tính xua đuổi loài muỗi gây hại.

3.4 Cây Trâm ổi hỗ trợ cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe khác

Từ xa xưa, loài Trâm ổi Lantana camara Linn. (thuộc họ Verbenaceae) thường được sử dụng theo truyền thống vì nhiều đặc tính chữa bệnh. Chẳng hạn như chống sốt rét, kháng khuẩn, chống ung thư và chống viêm.

Trong nghiên cứu hiện tại, những nhà khoa học đã nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu từ lá L. camara chủ yếu là sabinene, 1,8-cineole…các thành phần này sau khi xâm nhập cơ thể bằng được hô hấp,  được đánh giá là ứng cử viên đầy triển vọng trong việc:

  •       Kiểm soát chứng mất trí nhớ,
  •       Tình trạng mất ngủ
  •       Rối loạn tăng động giảm chú ý
  •       Và các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương khác.

3.5 Trâm ổi trong trong Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền các bộ phận của cây Trâm ổi có đặc tính gồm:

  •       Lá: mang mùi đặc trưng, tính mát, có tác dụng hạ sốt, giải độc, tiêu sưng, giảm ngứa
  •       Hoa: có vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng cầm máu, thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết…
  •       Rễ: có vị ngọt dịu, đắng, tính mát, công dụng hạ sốt, giảm đau, tiêu độc, khu phong, hoạt huyết…

4. Cách sử dụng và một số bài thuốc từ cây Trâm ổi

4.1 Cách sử dụng thông dụng

Tùy theo bộ phận dùng và mục đích sử dụng cây Trâm ổi mà có những cách sử dụng thông dụng khác nhau. Cụ thể dược liệu được thu hái quanh năm, sau khi đem về sẽ được rửa sạch, loại bỏ tạp chất. Có thể dùng ngay ở dạng tươi hoặc tích trữ bằng cách phơi hay sấy khô.

Phương pháp dùng cũng linh hoạt, chẳng hạn như sắc uống, dùng ngoài da, chườm nóng, tán bột…

4.2 Một số bài thuốc từ cây Trâm ổi tham khảo

Để chữa táo bón, sốt, làm ra mồ hôi có thể dùng lá Trâm ổi 20-30g cây tươi, sắc uống. Nếu dùng ngoài da có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm da, vết chàm…

Hỗ trợ vết thương: Một số nơi nhân dân dùng lá cây Trâm ổi giã nát đắp lên vết thương, vết loét…điều này là do chúng có tính chất sát trùng lên da, cầm máu. Do dùng ngoài nên không kể liều lượng.

Hỗ trợ tình trạng đái tháo đường: Toàn cây bỏ rễ 40g sắc uống. Ngoài ra, ăn thêm củ mài, củ súng hoặc bột thiên hoa phấn ngày 10g.

Hỗ trợ giảm ho: Hoa cây Trâm ổi phơi khô, lấy 6-10g hoặc cây tươi 15-20g, nấu nước, hãm hoặc chế siro uống.

5. Lưu ý khi sử dụng cây Trâm ổi

Cây Lantana camara không tác dụng chữa viêm xoang mũi như cây cứt lợn Ageratum conyzoides, tránh dùng lầm.

Bên cạnh đó, Kobi luôn khuyến khích người tiêu dùng tham khảo sự tư vấn của thầy thuốc trước khi sử dụng cây Trâm ổi trong trị liệu. Nhất là trường hợp có tình trạng sức khỏe nhạy cảm, do nghiên cứu khoa học vẫn còn khá hạn chế. Chẳng hạn như:

  • Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú được khuyến cáo là không nên dùng chiết xuất từ Trâm ổi. Do lo ngại về các rủi ro tiềm ẩn cũng như các nghiên cứu về vấn đề này còn hạn chế.
  • Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường khi sử dụng dược liệu, hãy trao đổi kỹ càng với người có chuyên môn để được theo dõi tình trạng sức khỏe chặt chẽ.
  • Bên cạnh đó, nếu từng có tiền sử dị ứng với thành phần trong Trâm ổi thì đây cũng không phải là thảo dược dành cho bạn.
  • Không dùng lá cây Trâm ổi ở liều cao liên tục trong nhiều ngày liền có thể gây ngộ độc và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Độc tính: Trong lá cây Lantana camara, các nhà nghiên cứu phát hiện một số chất độc như lantanin alkaloid, lantadene A . Sử dụng bộ phận này với liều cao bằng đường uống khoảng trên 30g có thể gây khó chịu. Ví dụ như làm giãn nở các cơ, bỏng rát dạ dày, ruột, hoặc sẽ khiến cho quá trình tuần hoàn máu bị rối loạn.

Trâm ổi không chỉ đẹp mà còn mang lại đa dạng giá trị dược tính.

6. Tổng kết

Như vậy, cây Trâm ổi dù từ lâu dù đã được dùng nhiều trong y học dân gian, nhưng hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu hiện đại phát huy toàn diện giá trị tiềm năng của loài. Mong rằng tương lai sắp tới Lantana camara sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Cuối cùng, nếu muốn khám phá thêm những loài thực vật tự nhiên tuyệt vời khác, hãy đến với Kobi nhé.

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Tất Lợi. (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 542. Nhà xuất bản Y học.
  2. Viện Dược Liệu. (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II, trang 261. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật.
  3. Nguyễn Văn Đàn, Vũ Xuân Quang, Ngô Ngọc Khuyến. (2005). Cây hoa chữa bệnh trang 140, Nhà Xuất Bản Y học.
  4. The anti-mycobacterial activity of Lantana camara a plant traditionally used to treat symptoms of tuberculosis in South-western Uganda https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2932521/
  1. Antioxidant activity of methanol extracts of different parts of Lantana camara https://doi.org/10.1016/S2221-1691(13)60007-6
  1. Adulticidal activity of essential oil of Lantana camara leaves against mosquitoes https://journals.lww.com/ijmr/Abstract/2010/31030/Adulticidal_activity_of_essential_oil_of_Lantana.13.aspx
  1. Sedative effects of the essential oil from the leaves of Lantana camara occurring in the Republic of Benin via inhalation in mice https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31446559/
  1. Essential oil from leaves of Lantana camara: A potential source of medicine against leishmaniasis http://dx.doi.org/10.1590/S0102-695X2012005000057
5/5 - (8 bình chọn)
Phạm Lê Phương Mai

Recent Posts

Bí Ẩn Tinh Dầu Gỗ Ngọc Am Trong Nghệ Thuật Ướp Xác Của Người Ai Cập Cổ Đại

I. Giới thiệu Trong lòng sa mạc mênh mông của Ai Cập, những kim tự…

1 tuần ago

Ý nghĩa của Chỉ số khúc xạ và Khối lượng riêng của Tinh dầu thiên nhiên

1. Giới thiệu Tinh dầu thiên nhiên – Kho báu quý giá từ thiên nhiên…

4 tuần ago

Vì Sao Tinh Dầu Hương Thảo Có Mùi Giống Bạc Hà

Hỏi: Vì sao tinh dầu hương thảo có mùi giống tinh dầu bạc hà? Đáp:…

4 tuần ago

Oleoresin là gì?

1. Giới thiệu về Oleoresin 1.1. Oleoresin là gì? Oleoresin, hay còn gọi là nhựa…

4 tuần ago

Nên Mát-xa Mặt Trong Bao Lâu?

Thời gian massage mặt lý tưởng thường dao động từ 5 đến 15 phút. Tuy…

1 tháng ago

Tinh dầu mùi già – Bí quyết xông nhà đón Tết an lành

I. Giới thiệu về tinh dầu mùi già 1. Nguồn gốc và lịch sử: Cây…

2 tháng ago