Blog

Đại hồi

Không thể phủ nhận rằng, các loại thảo mộc và gia vị thường là “người hùng thầm lặng” của sức khỏe và đại hồi không phải là ngoại lệ. Bên cạnh việc sử dụng trong ẩm thực, chúng còn là một trong những dược liệu y học cổ truyền quan trọng. Sau đây, Kobi sẽ cung cấp thông tin về lợi ích từ đại hồi cũng như cách sử dụng sao cho hiệu quả nhé.

1. Tổng quan về đại hồi

1.1 Thông tin chung

Đại hồi có danh pháp khoa học là Illicium verum., đây là một loài thực vật thuộc họ Illiciaceae. Theo tài liệu ghi chép, chúng có nguồn gốc từ phía Nam Trung Quốc và phía Bắc Việt Nam. Qua quá trình lịch sử, quần thể hồi phát triển và phân bố khắp thế giới, đặc biệt ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chẳng hạn như Đông Nam Á, Ấn Độ, Bắc Mỹ, Trung Quốc…Trong đó, hai khu vực cung cấp tinh dầu hồi chủ yếu cho thế giới cho đến hiện nay là Trung Quốc và Việt Nam.

Ở nước ta, đại hồi là một thực vật mang lại giá trị cao, là đặc sản quý. Thảo dược thường thích nghi tốt ở khu vực núi thấp ở các địa phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu, Cao Bằng…tùy vùng miền sẽ có những tên gọi khác nhau như đại hồi, hồi sao, bát giác hồi hương…

1.2 Đặc điểm sinh trưởng

Môi trường khí hậu lý tưởng cho thực vật này gồm:

  • Nhiệt độ trung bình 21-23oC;
  • Lượng mưa hằng năm: 1500-1800mm;
  • Loại đất feralit đỏ vàng, mới được khai phá, có pH khoảng 4-5.5;
  • Khả năng sinh trưởng mạnh mẽ và thường được nhân giống bằng hạt;
  • Thu hoạch hàng năm vào thời điểm tháng 7-9 và tháng 11-12, khi quả (hay còn gọi là hoa hồi) chuyển sang màu vàng mơ.

1.3 Mô tả cây đại hồi

Là thảo dược có thân gỗ, kích thước nhỏ và cao trung bình khoảng 6-8 m, thậm chí có thể cao hơn 10 m. Cành cây thẳng, bề mặt nhẵn, theo thời gian sẽ chuyển đổi từ màu xanh (lúc non) thành nâu xám (về già).

Lá hồi dạng hình mác hoặc trứng thuôn dài, mọc so le nhau, tập trung nhiều hơn ở các mấu. Phiến lá có bề mặt bên trên sậm hơn bên dưới, gân lá mờ, cuống ngắn.

Hoa có thể mọc tụ 2-3 cái hoặc riêng lẻ ở những kẻ lá, cánh hoa có kích thước đều nhau, chuyển màu từ trắng sang hồng dần về chính giữa.

Thông thường quả hồi có 8 cánh (đại), kích thước đều và rời nhau. Mỗi cánh có hình thoi, xếp tỏa tròn tạo thành ngôi sao. Màu sắc của quả khi non là xanh lục, sau đó sẽ chuyển dần về nâu sẫm khi già. Bên trong mỗi đại còn chứa 01 hạt màu nâu, bề mặt nhẵn, bóng.

Hầu hết bộ phận của cây hồi đều chứa lượng tinh dầu dồi dào như lá, hạt, quả, hoa…với hương vị được mô tả là ấm áp xen chút cay nồng. Đây là kiểu mùi hương pha trộn giữa mùi đinh hương, cam thảo và hạt thì là.

1.4 Bộ phận làm dược liệu

Nhắc tới đại hồi, bộ phận làm dược liệu chủ yếu là quả hồi (hay một số nơi gọi là hoa hồi). Hiện nay trên thị trường, có thể bắt gặp 3 loại sau:

  • Loại 1: quả có 8 cánh to, sắc đỏ sẫm, trong đó các cánh sẽ có kích thước đều nhau;
  • Loại 2: quả có cánh lép và màu sắc nâu đen hơn;
  • Loại 3: quả có các cánh bị lép, màu nâu đen;

2. Thành phần dinh dưỡng của đại hồi

Theo USDA, thông tin dinh dưỡng có trong 01 quả hồi (khoảng 0,2 gam) gồm:

  • Năng lượng (calo): 0,7;
  • Chúng hầu như không cung cấp chất béo, carbohydrate, chất xơ, đường, đạm đáng kể.
  • Chỉ số đường huyết bằng không.

Một số thành phần nổi bật của đại hồi khác:

  • Ancaloid, tinh dầu, tannin;
  • Cis và trans-anethole: thành phần mang lại hương vị đặc biệt cho gia vị. (Theo Tạp chí Evidence-based Complementary & Alternative Medicine)
  • Limonene , α-pinen, safrol, β-phellandrene, α -terpineol, farnesol, acid shikimic …
  • Một số ít thành phần nitơ và thành phần hydrocacbon như ρ-allylanisole β-pinen, β-sitosterol, a-phellandrene, p-cymene, β-myrcene, limonene, car-3-ene, cineol, 4 (10) -thujene, linalool và 4-terpineol (Asolkar , Kakkar, & Chakre, 1992; Rashid & Zuberi, 2016).
  • anisyl acetone, anisaldehyde, ρ-cumicaldehyde, ρ-allylpen, acid palmitic, acid linoleic…
  • Acid béo chứa axit myristic, stearic và linoleic (Asolkar và cộng sự, 1992; Rastogi & Mehrotra, 1993).
  • …;

Bên cạnh đó, hạt hồi là nguồn cung cấp dồi dào vitamin A, C và B như thiamin, pyridoxine, niacin và riboflavin. Đây đều là những chất nổi bật với tác dụng làm tăng các chất hóa học thần kinh trong não.

Mặt khác có ý kiến cho rằng , do thường chỉ được sử dụng với lượng nhỏ cho nên, đại hồi không có khả năng cung cấp vitamin hay khoáng chất nào.

Bảo quản: dược liệu đại hồi nên được thực hiện tương tự các loại gia vị khô khác. Cụ thể là cất giữ trong hộp kín, tránh xa ánh sáng và nguồn nhiệt trực tiếp, tránh mối mọt, bụi bẩn…

3. Vài nét về tinh dầu hồi

Tinh dầu hồi (star anise essential oil), được chiết xuất từ loài thực vật cùng tên, thông qua phương pháp chủ yếu là chưng cất hơi nước. Chúng có các đặc tính cơ bản sau:

  • Màu sắc dung dịch thường vàng nhạt đến nâu, trong suốt;
  • Mùi hương: nồng nàn, đậm đà, xen lẫn chút cay, ấm áp đặc trưng, là sự pha trộn của thảo dược cam thảo, đinh hương, thì là.

Có thể nói rằng, tinh dầu hồi với những hoạt chất giá trị đóng góp lợi ích chủ yếu cho dược liệu. Ứng dụng của chúng trong thực tế đa dạng như:

  • Chất tạo mùi thơm trong chăm sóc da, mỹ phẩm, mước hoa, chăm sóc cơ thể…
  • Liệu pháp hương thơm trị liệu;

4. Lợi ích của thảo dược đại hồi đối với sức khỏe

4.1 Đại hồi trong y học cổ truyền

Trong đông y, đại hồi là dược liệu cổ truyền quý giá với những tác dụng như:

  • Vị cay, tính ấm;
  • Quy kinh Can, Thận, Tỳ, Vị;
  • Công dụng: trừ phong hàn, lợi hô hấp, kiện tỳ, chống nôn, sát trùng, giảm đau…

4.2 Kháng virus và hiệu quả hô hấp

Một dược tính phổ biến của đại hồi là khả năng kháng virus mạnh mẽ thông qua hàm lượng acid shikimic. Hiện nay, hồi là nguồn cung cấp acid shikimic chính được sử dụng để phát triển sản phẩm dược phẩm. Đặc biệt là thuốc Tamiflu, một loại thuốc phổ biến để điều trị bệnh cúm.

Ngoài ra, tính ấm và đặc tính sát trùng mà nhân dân còn sử dụng thực vật giảm cảm lạnh và tắc nghẽn đường thở. Từ đó, hạn chế triệu chứng khó chịu của bệnh lý hô hấp như hen suyễn, ho, viêm phế quản…

4.3 Chống nấm và vi khuẩn

Nấm:

  • Là nguồn giàu chất flavonoid, hợp chất mang lại lợi ích kháng nấm mạnh mẽ;
  • Terpene, linalool…là những hợp chất sinh học có thể có thể ngăn chặn sự hình thành màng sinh học và thành tế bào của nấm truyền nhiễm ở người
  • Hỗ trợ giải quyết các vấn đề về da thường gặp là bệnh nấm candida, do loại nấm có tên là Candida albicans gây ra.

Vi khuẩn:

Theo nhiều nghiên cứu thử nghiệm, đại hồi được chứng minh có hiệu quả đối với nhiều loại vi khuẩn. Đặc biệt, tinh dầu hồi được thử nghiệm với phương pháp khuếch tán trên môi trường đặc mang lại kết quả là ức chế sự phát triển của chủng vi khuẩn như:

  • Trực khuẩn subtilis;
  • Salmonella typhi;
  • Tụ cầu khuẩn vàng;
  • …;

Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về đặc tính này chỉ giới hạn trên ống nghiệm và động vật. Do đó cần có những bằng chứng mạnh mẽ hơn trên người về những lợi ích tiềm năng này.

4.4 Cải thiện tiêu hóa

Ở các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, trà hoa hồi được đánh giá tích cực trong việc giải quyết các vấn đề tiêu hóa. Chẳng hạn như khó tiêu, đầy bụng, đau bụng, táo bón…Điều này hoàn toàn phù hợp với công dụng trong đông y, được dân gian truyền thụ lâu đời.

4.5 Chống oxy hóa

Chiến đấu chống lại các gốc tự do và hạn chế nguyên nhân gây bệnh lý là công việc của những chất chống oxy hóa. May mắn thay, đại hồi có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ nhờ hiện diện của vitamin, linalool, flavonoid…

4.6 Giảm đau

Hiệu quả giảm đau của đại hồi phần lớn nhờ sự đóng góp của chiết xuất tinh dầu. Theo đó, hỗn hợp dầu massage chứa tinh dầu hồi là phương pháp bổ trợ tuyệt vời trong điều trị đau lưng, đau nhức xương khớp…

4.7 Đại hồi trong ẩm thực

Trong ẩm thực, từ lâu đời, đại hồi có những hữu ích như:

  • Nguyên liệu gia vị phổ biến, đặc biệt là ngũ vị hương;
  • Nguyên liệu trong sản xuất làm bánh, rượu,…
  • Làm tăng hương vị ướp thịt;
  • Đại hồi ngâm trong nước và hãm trà giúp hỗ trợ hô hấp;
  • Tạo hương vị nổi bật cho món hầm, om, soup…

5. Cách sử dụng đại hồi thường gặp

Trà: cách phổ biến dễ thực hiện nhất là pha trà. Bạn có thể pha trà xanh ưa thích với thanh quế và vài quả đại hồi, ngâm chung khoảng 2 phút, rồi uống. Nến uống trà sau bữa ăn để cải thiện tình trạng tiêu hóa tốt nhất.

Gia vị ẩm thực: thường xuất hiện trong món ăn của Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc,..như món soup, cà ri, nước dùng, bánh nướng, bánh mì…

  • Có thể dùng nguyên hoặc tán thành bột tùy vào công thức món ăn;
  • Kết hợp tốt với gia vị khác như quế, rau mùi, đinh hương, bạch đậu khấu…

Dược liệu, làm thuốc:

  • Liều dùng: ngày dùng 4-8g, dưới dạng thuốc hãm, rượu thuốc;
  • Hoặc dùng 1-4g dưới dạng thuốc bột;

Tinh dầu hồi:

  • Khuếch tán, xông hơi;
  • Thành phần trong dầu massage;
  • Nhỏ vài giọt vào nơi lưu giữ hương thơm;

6. Lưu ý gì khi sử dụng đại hồi

Cần lưu ý là chỉ nên sử dụng loại hồi xuất từ Trung Quốc vì có nhiều lo ngại về độc tính của hoa hồi Nhật Bản. Theo đó, hoa hồi Nhật Bản được biết là có chứa độc tố thần kinh mạnh có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng về thể chất, bao gồm co giật, ảo giác, buồn nôn…

Luôn pha loãng tinh dầu hồi nguyên chất với dầu nền như dầu jojoba, dầu dừa…

Hoa hồi thường được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận là an toàn với số lượng thường được tìm thấy trong thực phẩm. Nhưng bằng chứng để xác định tính an toàn của chúng khi được dùng trong y tế còn hạn chế. Do vậy, dù theo kinh nghiệm dân gian có thể sử dụng đại hồi cho trẻ sơ sinh nhưng hãy tham khảo sự tư vấn từ bác sĩ chuyên môn đối với trường hợp nhạy cảm này.

Bên cạnh đó, một số đối tượng cũng nên thận trọng khi sử dụng đại hồi:

  • Phụ nữa có thai;
  • Phụ nữ cho con bú;
  • Người từng bị dị ứng với gia vị hồi, phấn hoa, cỏ dại,…

7. Tổng kết

Quả thực, đại hồi được sử dụng như một loại gia vị truyền thống và cũng như một loại thảo mộc chữa bệnh. Nhờ những đặc tính y học mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe mà dược liệu này ngày càng được yêu thích và tin dùng hơn. Nếu bạn muốn khám phá nhiều hơn về thế giới tự nhiên và tinh dầu thiên nhiên, mời ghé thăm Kobi nhé.

Tài liệu tham khảo

  1. Star Anise: Benefits, Uses and Potential Risks https://www.healthline.com/nutrition/star-anise
  2. Top 12 Health Benefits of Star Anise https://www.healthbenefitstimes.com/star-anise/
  3. Star anise ( Illicium verum ): Chemical compounds, antiviral properties, and clinical relevance https://www.researchgate.net/publication/338917710_Star_anise_Illicium_verum_Chemical_compounds_antiviral_properties_and_clinical_relevance
  4. Star Anise Nutrition Facts https://www.verywellfit.com/star-anise-nutrition-facts-4684102
5/5 - (1 bình chọn)
Nguyễn Đình Quyết

Chào bạn. Tôi là Nguyễn Đình Quyết, hiện đang là CEO & Co-Founder của Công ty Cổ phần Kobi Việt Nam - doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối Tinh dầu thiên nhiên, dầu nền hàng đầu tại Việt Nam từ năm 2011. Chúng tôi luôn cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhanh chóng, thanh toán linh hoạt. Hãy kết nối với chúng tôi bạn nhé!

Recent Posts

Bí Ẩn Tinh Dầu Gỗ Ngọc Am Trong Nghệ Thuật Ướp Xác Của Người Ai Cập Cổ Đại

I. Giới thiệu Trong lòng sa mạc mênh mông của Ai Cập, những kim tự…

2 tuần ago

Ý nghĩa của Chỉ số khúc xạ và Khối lượng riêng của Tinh dầu thiên nhiên

1. Giới thiệu Tinh dầu thiên nhiên – Kho báu quý giá từ thiên nhiên…

1 tháng ago

Vì Sao Tinh Dầu Hương Thảo Có Mùi Giống Bạc Hà

Hỏi: Vì sao tinh dầu hương thảo có mùi giống tinh dầu bạc hà? Đáp:…

1 tháng ago

Oleoresin là gì?

1. Giới thiệu về Oleoresin 1.1. Oleoresin là gì? Oleoresin, hay còn gọi là nhựa…

1 tháng ago

Nên Mát-xa Mặt Trong Bao Lâu?

Thời gian massage mặt lý tưởng thường dao động từ 5 đến 15 phút. Tuy…

1 tháng ago

Tinh dầu mùi già – Bí quyết xông nhà đón Tết an lành

I. Giới thiệu về tinh dầu mùi già 1. Nguồn gốc và lịch sử: Cây…

2 tháng ago